top of page

Nếu bạn đang nuôi dạy trẻ trai.

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Hãy giúp con nhận thức đúng đắn về CẢM XÚC của mình!


Trẻ trai từ bé chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi quan niệm về sự mạnh mẽ, tính nam. Cảm xúc của con ban đầu thường bị phủ nhận, nhất là với tiếng khóc.


Tất nhiên khóc không giải quyết được việc đang xảy ra, nhưng khóc hay thể hiện cảm xúc ra ngoài nói chung có tác dụng quan trọng khác cần được ưu tiên - giúp đứa trẻ cân bằng lại trạng thái, giải toả năng lượng tiêu cực ra ngoài.


Chỉ sau khi thoải mái, dễ chịu trở lại con mới có thể nghe và tiếp nhận những lời hướng dẫn. Hoặc là tự tìm ra cách giải quyết cho mình.


Con mình có một lần đi chơi lạc lên tầng trên của chung cư, trong lúc sợ hãi đã nhớ ra mình cần phải hít thở để lấy lại bình tĩnh. Sau đó con biết hỏi một người lớn đường về nhà.


Hay có lần cãi nhau với em gái về cách phơi quần áo cho đúng, em khóc, mẹ mới chỉ đang hỏi han em thôi, con đã ra ghế nằm khoanh tay, mặt rất thách thức:


- Không, con không làm nữa đâu.

- Con không chơi với em nữa.


Lời của con có phải để khiêu khích mình không?


Không phải. Con muốn nói rằng:


- Con cũng giận và khó chịu. Con cũng cần được mẹ giúp.


Hôm đấy mình đã ôm cả hai, cho hai bên lần lượt được nói và thể hiện cảm xúc của mình. Khi mọi thứ lắng xuống, cả hai tranh nhau làm việc phơi quần áo đang bị bỏ dở rồi chơi tiếp trong hoà bình.


Một đứa trẻ đang có cảm xúc tiêu cực cần được giải toả, lại không được khóc, không được nói về nỗi buồn, thất vọng, tiếc nuối hay ức chế nhưng đồng thời cũng không được có hành vi gây mất trật tự, thách thức hay quấy nhiễu người khác. Nếu không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của người lớn, trẻ biết làm gì với mâu thuẫn đó trong mình?


Đi kèm với nỗi sợ bị phủ nhận, từ chối và trừng phạt, trẻ sẽ đè nén cảm xúc của mình vào trong và thông thường là nhiều hơn một cảm xúc. Khi mọi thứ bên trong quá đầy, tự động trẻ sẽ phải giải phóng chúng, thường là qua các hành vi gây hấn, gây sự với người khác.


Một cảm xúc tiêu cực bị bỏ lơ, né tránh sẽ lớn dần lên theo thời gian. Chúng chi phối hành vi của đứa trẻ theo cách trẻ không kiểm soát được. Nếu người lớn cũng không hiểu về điều đó thì rất dễ quy kết và đánh giá con người trẻ. Việc lặp đi lặp lại như vậy lâu dài gây ra tổn thương về mặt tâm lý.


Tại sao mình có xu hướng né tránh cảm xúc như vậy?


Đó là thói quen được xây dựng từ lúc còn bé bởi người lớn. Đó là nỗi sợ phải đối diện lại với rất rất nhiều cảm xúc tiêu cực bị lãng quên từ lâu.


Không phải trẻ gái không có cảm xúc bị đè nén và bỏ quên, nhưng áp lực thể hiện sự mạnh mẽ không nhiều nên ảnh hưởng không nặng nề. Do đó mà những người mẹ thường dễ chấp nhận cảm xúc của con mình hơn là bố (thông tin trong cuốn Strong mothers, strong sons).


Tại sao mình không thể nói chuyện về cảm xúc như cách mình vẫn nói chuyện và thảo luận về một món ăn trên bàn ăn?


Tại sao mình không thể hỏi: con đang cảm thấy sao? khó chịu thế nào? có cần bố/mẹ ôm một chút không? và rồi lắng nghe con nói về bất cứ nỗi ấm ức, buồn giận nào mà con đang có?


Chỉ vậy thôi và con sẽ biết ơn mình rất nhiều.

50 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page