top of page

Tại sao đôi khi bạn quá tải khi làm mẹ?

Bài đăng của thành viên Nguyen Nghia trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Chúng ta bước chân vào cuộc sống hôn nhân, gia đình hầu hết không ai được hướng dẫn, được chuẩn bị tinh thần cho các tình huống có thể gặp phải, khả năng có thể xảy ra. Chúng ta lặp lại mọi thứ trong gia đình nhỏ của mình như cách chúng ta nhìn thấy bố mẹ đã làm trước đây.


Rồi đến một lúc nào đó chúng ta thấy mình quá tải, đảm đương quá nhiều việc một lúc, phải có trách nhiệm với quá nhiều người. Trong khi bản thân còn đang vật vã thì người bên cạnh lại có những trận bùng nổ cảm xúc không hiểu ở đâu ra. Cuối cùng chúng ta kiệt sức, muốn từ bỏ, muốn tung hê.


Những niềm vui bất chợt, những ngày tháng êm đềm ngắn ngủi không đủ bù đắp cho chiếc hố sâu trong lòng vì trải qua những trận căng thẳng, cãi vã, chiến tranh lạnh hay những cơn ăn vạ, những lời khuyên nhủ, trách cứ từ đâu đó bên ngoài. Một câu hỏi cứ treo lơ lửng: mình sai ở đâu vậy, mình đã làm gì?


Trong quá trình tìm hiểu về ranh giới cá nhân, với tư cách là một phụ nữ, một người mẹ, mình liệt kê một số lỗi về ranh giới thường thấy đôi (hay nhiều) lúc khiến chúng ta cảm thấy quá tải.


1. Cố gắng làm mọi việc một cách hoàn hảo


Không có gì sai khi chúng ta nỗ lực làm MỘT việc tốt nhất trong khả năng của mình. Vấn đề xảy ra khi chúng ta muốn làm MỌI việc một cách hoàn hảo.


Đang chơi với con, đột nhiên tâm trí bảo chúng ta là nhà bẩn, phải đi dọn nhà thôi; Đang đọc sách hay làm việc chúng ta chợt nhìn thấy con đang chơi một mình lại muốn chơi cùng để con vui; Đang nấu ăn, thấy chồng chơi với con không hợp ý chúng ta phải điều chỉnh; Đang mệt, căng thẳng nhưng không yên tâm để ai làm việc nhà giúp chúng ta lại cố đứng lên.


Ngày qua ngày trôi theo những vòng quay đó, chúng ta kiệt sức lúc nào không hay. Khi cơ thể căng cứng, đầu óc rối bời chúng ta không thể nào tỉnh táo và sáng suốt xét lại các vấn đề được. Chuyện còn nghiêm trọng hơn khi ngoài gia đình chúng ta còn công việc, sự nghiệp phải lo, giờ giấc không linh hoạt nên cuối ngày mọi thứ thường chồng chất. Mỗi sáng chưa kịp thả lỏng, thư giãn hay sắp xếp lại chuyện ngày hôm qua thì chuyện ngày hôm nay đã tới rồi.


Chúng ta không cần là siêu nhân, cũng không phải là một nhà lãnh đạo hay một người làm-tuốt. Hãy lắng nghe những chỉ dẫn của cơ thể để biết giới hạn của mình tới đâu.

  • Nếu mệt quá hãy giải thích tình hình với chồng, con và yêu cầu cả nhà dành cho mẹ 20-30 phút yên tĩnh để nghỉ ngơi.

  • Cố gắng xác định khoảng thời gian chơi với con và đặt nguyên tắc không làm gì khác ngoài việc chơi với con trong khoảng thời gian đó.

  • Chồng chơi với con ư? hãy ghi nhận và nếu có thể hãy tham gia một chút vào cuộc chơi đó, dù nó có khác cách của mình thế nào đi chăng nữa. Nên nhớ đó là mối quan hệ giữa bố và con. Nếu mọi thứ không vượt quá giới hạn, chúng ta không có quyền để can thiệp.

  • Và con nhiều tình huống khác nữa mà vì mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo mà chúng ta bỏ quên nhu cầu của mình cũng như của người khác.


2. Muốn làm hài lòng tất cả mọi người


Chúng ta chỉ có trách nhiệm cho mọi thứ thuộc vòng ranh giới của mình, ngoài vùng đó thì không cần phải quá bận tâm.

Đôi lúc vì sợ bị phán xét, bị người khác rút lại tình cảm dành cho mình mà chúng ta cố gắng chiều lòng họ. Thật tốt nếu điều đó được trân trọng, đề cao và biết ơn, nhưng thông thường lựa chọn này lại khiến người khác cho rằng đó là điều hiển nhiên, là đặc quyền họ được hưởng.


Tuy nhiên hãy cẩn thận ở bước này vì rất có thể lúc nào đó chúng ta lại bước quá giới hạn sang phía bên kia của sự cân bằng. Thay vì lựa chọn điều gì hợp lý để trao cho nhau, chúng ta phản ứng tiêu cực với mọi thứ thuộc về người khác.


Một người có ranh giới trưởng thành luôn biết rằng mình có lựa chọn để trao đi trong giới hạn khả năng cho phép, mình cần phản hồi tích cực, có cái nhìn khách quan với một ý kiến, đề xuất nào đó thay vì gồng lên để tự vệ. Một người có ranh giới trưởng thành cũng hiểu rằng mọi lời nhận xét, đánh giá của người khác dành cho mình không bao giờ phản ánh mình mà phản ánh những gì ẩn sâu bên trong người kia..


Trong bạn vẫn còn tồn tại những nỗi sợ phản ứng của người khác khi mình không đáp ứng họ? Hãy đọc tiếp mục dưới đây nhé!


3. Chịu trách nhiệm cho cảm xúc và vấn đề của người khác


Đây là mục mình quan sát thấy gần như là ai cũng vướng ít thì nhiều mà nhiều nhất thường là những người có xu hướng luôn nhận hết trách nhiệm về mình, bằng cách đó người này bỏ quên các vấn đề của bản thân.


Mỗi lần ai đó tức giận, bạn cảm thấy: sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, đứng ngồi không yên. Bạn cố gắng giải quyết cảm xúc cho họ: bạn thỏa mãn họ, chiều lòng họ, đè nén nhu cầu chính đáng của mình để họ vui, xử lý việc hay người đã kích hoạt sự tức giận. Đối với bạn, mọi người xung quanh phải luôn an hoà, vui vẻ, nếu họ không như vậy thì có thể là lỗi của mình và mình phải giúp. Nếu mình không giúp thì là ích kỷ, vô tâm. Trái lại, người có ranh giới vững vàng biết cách phản hồi rất tốt với cảm xúc tiêu cực của người khác.


Chúng ta cũng thường hay ôm vào những việc không thuộc phạm vi ranh giới của mình. Đôi khi chúng ta nhìn thấy hành vi, lựa chọn của người khác (con cái, bạn đời) có thể kèm theo một "hậu quả" không ảnh hưởng trực tiếp đến ai ngoài họ. Chúng ta thường có ý muốn thuyết phục người kia ngừng lại với lý do: để họ không phải chịu hậu quả nào đó mà chúng ta cho là sẽ có. Đây là một mong muốn tốt tuy nhiên rất tiếc lại là không lành mạnh (loại trừ trường hợp nghiêm trọng có thể có).


Một khi còn chưa làm rõ ranh giới của mình nằm ở đâu chúng ta sẽ còn ôm vào những thứ không thuộc trách nhiệm của mình. Hệ quả chính là sự quá tải.


Cái khó nhất của chúng ta là xác định lại được cho mình một khung cơ bản, ổn định đâu là việc thuộc trách nhiệm của mình, đâu là không. Để làm điều này một cách khách quan, mỗi người lại phải đủ khả năng phân biệt đâu là tiếng nói của bố mẹ mình, đâu là tiếng nói của xã hội, đâu là tiếng nói của cái tôi. Những tiếng nói thường trực trong đầu thường ngăn chúng ta nhìn ra gốc rễ của vấn đề và chân lý của sự việc.


4. Chưa làm chủ được cuộc sống của mình


3 mục mình nêu bên trên đều tập trung vào việc chúng ta cần để người khác chịu trách nhiệm với mọi thứ thuộc vùng ranh giới của họ. Ở mục này mình muốn nhấn mạnh rằng để có thể làm được ba mục trên, chúng ta cần biết ranh giới của mình ở đâu và trách nhiệm của mình là gì. Đó là khi chúng ta làm chủ được cuộc sống của mình.

Các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, dù là gì, cũng đều thuộc trách nhiệm của chúng ta:


  • Bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản vì công việc quá nhiều, không được ai chia sẻ => học cách giao tiếp, nói lên mong muốn và giới hạn của mình với người khác.

  • Bạn cảm thấy buồn, đau khổ mà không ai hiểu => học cách tự xử lý cảm xúc.

  • Bạn cảm thấy bản thân bị gò bò, kìm hãm, thiếu sự tự do => xác định quyền lợi của mình ở đâu, mình có quyền gì mà người khác không được can thiệp.

  • Bạn cảm thấy khó chịu, luôn phản ứng với ý kiến trái chiều => tập phân biệt rạch ròi đâu là mình, đâu là cảm xúc của mình, đâu là vấn đề cần giải quyết, đâu là người kia, đâu là cảm xúc của họ.


Nếu chúng ta còn kẹt trong tình trạng hướng ra bên ngoài để đổ lỗi và mong một ai đó xử lý vấn đề giúp mình là chúng ta còn đặt cuộc đời, số phận, sự tự do, hạnh phúc của mình vào tay người khác. Khả năng tự chủ, sống một cuộc sống ổn định, bình yên luôn nằm trong tầm tay của mỗi người. Để làm được vậy chúng ta lại phải luôn nỗ lực không ngừng, tự đánh giá bản thân hàng ngày. Đến một lúc bạn sẽ nhận ra rằng duy trì một cuộc sống bình an, hạnh phúc giống như cách chúng ta đạp xe, dừng đạp để xe tự chạy dăm bảy vòng có thể ổn nhưng nếu dừng mãi mãi thì chiếc xe sẽ mất thăng bằng và đổ bất kỳ lúc nào không hay.


18 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page