Hiểu về ranh giới với con cái

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Vạch ranh giới là một việc khó, nhất là với những người sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ranh giới rõ ràng. Cách thức nuôi dạy của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng vạch ranh giới của một người khi trưởng thành. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là những rối loạn và mất cân bằng trong gia đình.
Mình chia sẻ ở đây các lỗi cơ bản trong việc vạch ranh giới:
Ranh giới quá chặt
Mọi người hình dung ranh giới của con cái là một hình tròn nhỏ nằm bên trong hình tròn to hơn của bố mẹ. Ranh giới quá chặt là khi hình tròn của con bị thu hẹp quá mức. Con có quá ít quyền đối với bản thân.
Những người sống trong gia đình có ranh giới quá chặt thường rụt rè, thu mình, hay lo sợ và ít khi dám mạo hiểm. Các bậc cha mẹ trong trường hợp này thường nghiêm khắc quá mức, choán hết không gian riêng tư, cần thiết cho sự phát triển tự nhiên của con cái.
Ở đây con không còn có cơ hội làm sai và nhận trách nhiệm cho cái sai của mình. Con không có cơ hội thể hiện mình vì lúc nào lời của bố mẹ cũng là tối thượng. Con cái trong gia đình này sẽ mất niềm tin vào chính bản thân và có hai hướng phát sinh:
phó mặc cuộc đời mình cho bố mẹ.
phản ứng gay gắt với bố mẹ và có mong muốn rời xa bố mẹ càng sớm càng tốt để được tự do.
Ranh giới quá lỏng
Ranh giới quá lỏng là khi hình tròn của con được cho phép mở rộng hơn mức cần thiết. Con có quá nhiều quyền lợi và thường không phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả mình gây ra.
Bố mẹ sẽ là người hứng chịu hậu quả thay con: con làm đổ nước, bố mẹ lau; con không dọn dẹp, bố mẹ làm; con mâu thuẫn với bạn bè, bố mẹ giải quyết; con tiêu pha quá mức, bố mẹ hỗ trợ tiền; v.v.
Đứa trẻ trong trường hợp này thường sẽ thiếu thận trọng trong mọi việc mình làm, không có kỷ luật và luôn gây khó chịu cho người khác khi tiếp xúc vì sự ỷ lại và vô trách nhiệm của mình.
Việc bố mẹ duy trì ranh giới quá lỏng nhưng lại thiếu kết nối sẽ dẫn tới việc hình thành một người hung hăng, ngạo mạn, kiểm soát và áp đặt người khác, luôn cho mình là nhất. Điều này sẽ gây khó khăn cho họ trong các mối quan hệ thân thiết.
Ranh giới không nhất quán
Hình tròn của đứa trẻ trong trường hợp này thường không ổn định. Lúc thì quá hẹp, lúc lại quá rộng. Điều này gây ra sự bất an khiến đứa trẻ luôn ở trong tình trạng dè chừng, cảnh giác. Về lâu dài tình trạng đó sẽ khiến đứa trẻ bị rối loạn lo âu/rối loạn tâm lý.
Bố mẹ trong trường hợp này thay đổi cách thức đối xử với con cái rất nhanh. Lúc trước vừa ngọt ngào, nhẹ nhàng và quan tâm nhưng chỉ một lúc sau nếu đứa trẻ làm gì đó trái ý họ, họ sẽ trở nên giận dữ, xa lánh và trừng phạt con mình.
Đứa trẻ luôn phải học cách đối phó với những thay đổi của cha mẹ, chúng thường lo lắng không biết khi nào họ sẽ trở nên khắc nghiệt. Chúng không hiểu nguyên tắc trong gia đình là gì, kỳ vọng của bố mẹ là thế nào và trách nhiệm chính xác của mình là gì.
Duy trì ranh giới ra sao?
Để dạy con về ranh giới, bố mẹ cần làm gương về ranh giới. Có một số điểm quan trọng trong việc vạch ranh giới và nguyên tắc vạch ranh giới.
1. Một số điểm quan trọng
- Một đứa trẻ cần càng sớm càng tốt học được cách nói Không với người khác. Nói không không phải là cách trẻ chống đối, gây khó dễ cho cha mẹ. Nói không là cách trẻ học về ranh giới, học tự bảo vệ bản thân mình. Nếu bố mẹ không cho phép con nói Không và học cách nói không khi cần, con sẽ nói Có thậm chí cả với những tình huống nguy hiểm tới mình: người khác động chạm vào cơ thể khi con không muốn; đưa cho người khác đồ của mình khi bị đe dọa, hỏi xin; giúp người khác khi mình đang quá tải; v.v.
- Khi trẻ nói Không, bố mẹ cần học cách tôn trọng (trong vòng tròn quyền hạn của con) và lắng nghe lý do cho việc nói Không đó.
- Một đứa trẻ, ngoài ra cần học cách chấp nhận lời nói Không của người khác mà không cảm thấy khó chịu, phật ý hay tức giận. Chúng cần học cách tôn trọng ranh giới của người khác.
- Chúng ta vạch ranh giới với con nhưng cần giữ kết nối với con. Bạn có thể từ chối một đòi hỏi quá đáng của con nhưng đồng thời cũng cần ở cạnh để con thấy rằng bạn không quay lưng lại với con.
- Nói tóm lại, bạn có thể tức giận, bực bội, cáu gắt, từ chối những hành vi sai của con nhưng vẫn phải cho con thấy bạn luôn ở đó, tình yêu của bạn dành cho con không thay đổi.
Để làm được những điều đó bố mẹ phải học, tự trang bị cho mình rất nhiều các kỹ năng. Mình học được gì, con mình học được cái đó. Mình chưa làm được mà mong con làm được là không thực tế và chỉ gây nên căng thẳng trong mối quan hệ.
2. Nguyên tắc vạch ranh giới
- Giúp con hiểu về luật nhân-quả: để con tự chịu hậu quả tự nhiên cho những việc mình làm
- Giúp con hiểu về trách nhiệm: con phải biết trách nhiệm của mình là gì theo độ tuổi, tại sao lại cần có trách nhiệm, trách nhiệm với ai, với điều gì?
- Giúp con hiểu về quyền của mình, quyền của một con người: Mình thấy có cuốn sách về Kỹ năng sống - Hiểu về quyền con người rất hay và dễ đọc, vừa giúp bố mẹ học lại cũng vừa để thảo luận, giúp con. Hiểu về trách nhiệm và quyền của mình là nền tảng của khả năng vạch ranh giới.
- Giúp con hiểu thế nào là tôn trọng mình, tôn trọng người khác.
- Giúp con hiểu về động cơ đúng đắn thúc đẩy các hành động của mình: Tốt nhất là dựa trên tình yêu thương chứ không dựa trên những nỗi sợ.
- Giúp con hiểu về những tác động của mình lên người khác khi vạch ranh giới.
- Giúp con hiểu tầm quan trọng của sự chủ động trong đời sống.
- Giúp con hiểu về cảm giác, cảm xúc, tâm trạng của mình xuất phát từ đâu, cần làm gì với chúng.
- Làm gương cho con về tinh thần học hỏi, tìm hiểu, khám phá các giới hạn của bản thân.
- Hướng dẫn con cách nói ra những mong muốn của mình một cách lịch sự và tử tế.
Thông tin trong bài có tham khảo từ cuốn Vạch ranh giới (Henry Cloud và John Townsend), nếu mẹ nào có nhu cầu có thể tham khảo, sách khôn chỉ nói về ranh giới với con cái mà còn với các mối quan hệ khác.
Cảm ơn cả nhà đã đọc bài!