top of page

4 SAI LẦM KHIẾN BỐ MẸ DỄ MẤT BÌNH TĨNH, NỔI NÓNG VỚI CON

Bài đăng của thành viên HoangMy Truong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Điều cần làm trước tiên để cải thiện tình hình là giải quyết tư duy và tâm lý của bản thân trước. Đây là 4 sai lầm khiến mình dễ mất bình tĩnh và nổi nóng với con.


#1. Không chăm sóc bản thân

Khi bản thân đang mệt mỏi, căng thẳng, quá tải, chúng ta khó có thể thông cảm hay kiên nhẫn với bất cứ ai, kể cả con. Mà cũng chẳng cần gì to tát, khi mình đói hay buồn ngủ thôi, mình đã nhìn mọi thứ tiêu cực hơn rất nhiều rồi. Âm thanh rên rỉ, mè nheo của con sao mà khó chịu đến thế. Tiếng khóc của con dường như to và gay gắt hơn mọi khi. Đống đồ chơi của con trên sàn nhà dường như cũng lộn xộn và bữa bãi hơn. Con trông cũng lì lợm và khó bảo hơn mọi ngày. Tất cả mọi thứ đều bị thổi phồng lên qua lăng kính của sự mệt mỏi và căng thẳng.


Mình đã từng nghĩ “làm mẹ mà, con phải là ưu tiên hàng đầu, điều tốt nhất mình có thể làm cho con là toàn bộ thời gian, sức lực, tình yêu". Bởi thế, đôi khi mình cảm thấy tội lỗi khi bản thân có một ngày thong thả quá, hay khi mình ngủ quên, hay khi mình định đi gội đầu massage một chút, hay khi mình lười đọc truyện cho con, … Nhưng dù thế, mình vẫn nổi giận với con thường xuyên đấy thôi, mình vẫn trừng mắt và quát con đấy thôi. Mình đâu phải là một người mẹ toàn tâm toàn ý như mình nghĩ, mình muốn.


Mình đã đọc đâu đó như thế này “một người mẹ chăm sóc bản thân mình thật tốt không có nghĩa là họ ích kỷ mà họ đang trao cho con phiên bản tốt nhất của chính mình" (và tất nhiên điều này đúng với cả các ông bố). Mình biết, thật khó để sắp xếp thời gian cho bản thân mình khi mỗi ngày chúng ta phải vật lộn với hàng tá công việc ở công sở. Và cho dù chúng ta có làm bố làm mẹ toàn thời gian đi chăng nữa, việc chăm sóc chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện chơi, chuyện tâm lý và phát triển của một em bé cũng đã là một khối lượng công việc khổng lồ đáng nể. Nhưng thực tế là chúng ta hoàn toàn không thể thấu hiểu, thông cảm, kiên nhẫn hay trìu mến với con khi bản thân đang kiệt sức. Hãy chăm sóc bản thân mình trước để có thể yêu thương con cái một cách trọn vẹn hơn.


#2. Đặt ra những kỳ vọng không thực tế

Đặt ra những kỳ vọng cho con không hề sai, nó có thể được hiểu là sự hướng dẫn, những quy tắc, giới hạn để giữ cho con được an toàn, cư xử hợp lý, phát huy tiềm năng, … Nhưng những kỳ vọng quá cao và thiếu thực tế sẽ gây áp lực lên đứa trẻ, và khiến chúng ta dễ thất vọng dẫn đến sự mất bình tĩnh, thiếu kiên nhẫn với con.


Mình cũng đã từng đặt ra những kỳ vọng vô lý với 2 đứa con (3 tuổi và 5 tuổi của mình): con không được nổi giận và gào khóc, con phải biết chia sẻ, con phải tự chơi ngoan trong khi mẹ làm việc, con phải ăn những gì mẹ nấu mà không được ý kiến gì, con phải dạn dĩ và cởi mở, … Những mong muốn của mình áp đặt lên con đều thiếu thực tế, bởi vì:

  • Chúng không phù hợp hoặc đôi khi quá trái ngược với tính khí của con

  • Chúng không phù hợp với sự phát triển theo độ tuổi của con

Vì vậy, hãy cân nhắc đến yếu tố độ tuổi và tính khí của con để đặt ra những kỳ vọng hợp lý và đúng mực. Điều đó giúp chúng ta giảm đi sự thất vọng và nguy cơ nóng giận vô lý với con.


#3. Không tách bạch được bối cảnh và hành vi

Trong khi “tự kiểm điểm" sự thiếu kiên nhẫn của mình đối với con, mình nhận thấy cùng một hành động của con nhưng có khi mình sẽ nhẹ nhàng giải quyết nhưng có lúc lại la mắng con dữ dội.


Chẳng hạn như chuyện các con chậm rãi, từ tốn tự mang giày, tự đội mũ trước khi ra khỏi nhà. Hôm nào còn sớm, thời gian thong thả, mình sẽ kiên nhẫn chờ con, để con làm mọi thứ như cách rèn luyện sự tự lập và cảm thấy tự hào khi con chủ động làm mọi thứ. Hôm nào vội vàng, trễ giờ, mình sẽ thấy hành động của con thật chậm chạp, lề mề và bắt đầu mất kiên nhẫn “Con có nhanh lên không, mẹ đã bảo để mẹ giúp cho mà".


Đó chỉ là hai trong nhiều ví dụ cho thấy mình tức giận, nổi nóng với con không phải vì hành vi của con mà vì mình đang ở trong một tình huống, một bối cảnh căng thẳng. Và mình nghĩ, khi mình học được cách tách bạch chúng, mình có thể sẽ cư xử bình tĩnh và kiên nhẫn hơn


#4. Bỏ qua tính khí của bản thân

Mình quan tâm đến tính khí của con nhưng quên mất rằng, tính khí của mình cũng có vai trò quan trọng trong mối quan hệ mẹ con.

Mình là người thường nghiêm trọng hoá vấn đề, rất nguyên tắc và thiếu linh hoạt. Con trai đầu của mình cũng có tính khí tương tự, con thích mọi thứ theo trình tự, kế hoạch. Chẳng hạn, mình muốn con đi ngủ vào lúc 9h, chỉ cần sau 9h mà con chưa ngủ, mình sẽ bắt đầu mất kiên nhẫn. Con mình cũng muốn lịch trình trước khi ngủ của con được thực hiện đầy đủ: tắm, chơi với ba, đọc truyện, lên giường kể chuyện rồi mới ngủ. Mình chỉ muốn con đi ngủ đúng giờ, con thì muốn thực hiện hết lịch trình. Thế là căng thẳng diễn ra.


Mình và Phin (con trai thứ hai) khá trái ngược. Phin là em bé màu vàng vui vẻ và luôn muốn được chú ý, có người chơi cùng. Khi mình muốn hoàn thành việc gì đấy theo kế hoạch của bản thân (như nấu ăn, dọn dẹp hoặc làm biếng chỉ muốn nghỉ ngơi), con sẽ luôn ở đó lôi kéo rủ rê mẹ chơi cùng, và không được thì sẽ mè nheo, kéo chân kéo tay, khóc lóc. Và thế là hai mẹ con lại cáu với nhau.


Tính khí của mình là thế, với những nguyên tắc và giới hạn riêng khó mà thay đổi được. Nhưng mình nghĩ, điều mình có thể làm từ nay về sau là mở rộng phạm vi chấp nhận được của mọi vấn đề, hay nói cách khác là dự kiến những gì có thể xảy ra và đón nhận nó. Chẳng hạn như mình sẽ mở rộng khung giờ đi ngủ từ 9h - 9h30 tối, mình sẽ để Phin chơi gần bếp lúc mình nấu ăn hoặc dừng lại chơi với con 5-10p trước khi tiếp tục công việc. Như thế, mình sẽ dễ giữ được bình tĩnh và bao dung với con hơn.


Cảm ơn bạn vì đã đọc một bài viết thật dài và mình hy vọng nó cũng phần nào hữu ích với bạn.

16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page