top of page

NÊN SINH CON THỨ HAI KHI NÀO

Bài đăng của thành viên Nguyễn Kim Ngọc Quyên trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Không hiểu sao mấy ngày này lướt facebook, mình đọc được rất nhiều tâm sự về việc người mẹ cảm thấy có lỗi khi sinh bé thứ hai quá sớm khiến bé đầu thiệt thòi. Đọc những dòng chia sẻ đầy tâm trạng đó của các mẹ, rồi bên dưới là rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm, mình cảm thấy cần thiết phải viết ra bài này, chia sẻ một chút quan điểm cá nhân về thời điểm tốt nhất để sinh con thứ hai.


Thành thực mà nói, chẳng có thời điểm nào là tốt nhất cho tất cả mọi người, trừ thời điểm mà mỗi chúng ta cho là phù hợp.


Vì sao như vậy?


Nếu sinh bé thứ hai khi bé đầu chưa tròn 2 tuổi, cả nhà sẽ đối diện với khủng hoảng tuổi lên 2.

Nếu sinh bé thứ hai khi bé đầu chưa tròn 3 tuổi, cả nhà sẽ đối diện với khủng hoảng tuổi lên 3, mà giai đoạn này có khi còn khó khăn hơn cả tuổi lên hai.


Nếu sinh bé thứ hai khi bé đầu 4 tuổi, bạn có chắc bạn đã làm tốt 3 năm đầu tiên với con chưa? Nếu chưa, đây là giai đoạn bạn đi giải quyết hậu quả, hứa hẹn không kém phần vất vả. Còn nếu làm tốt, chúc mừng bạn. Nhưng cũng đừng vội mừng, lúc này con đã có nhận thức của riêng mình, và giai đoạn này con đặc biệt nhạy cảm về việc sẻ chia, đặc biệt là khi nhận ra mình không còn là “cục vàng” duy nhất trong nhà.


Nếu sinh bé thứ hai khi bé đầu 5 tuổi? Đây là giai đoạn tiền tiểu học, và bạn cần dành rất nhiều thời gian rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho con để chuẩn bị cho bậc học mới với nhiều thay đổi.


Nếu sinh bé thứ hai khi bé đầu 6 tuổi, con sẽ cần sự đồng hành của bạn trong giai đoạn chuyển tiếp vào lớp mới, trường mới, môi trường hoàn toàn mới. Đây là giai đoạn con phải đối mặt với nhiều áp lực.


Nếu sinh bé thứ hai khi bé đầu 7 tuổi, bạn hãy ước gì năm đầu tiên con đi học thuận lợi và con đã quen trường, quen lớp, quen cách học, theo kịp bài. Hãy ước gì mẹ đã rèn được những kỹ năng tự lập cho con, chứ không phải đối diện cảnh ngày ngày mè nheo không đánh răng, không thay quần áo và không muốn đến trường. Chưa kể, khoảng cách thế hệ giữa 2 bé đã bắt đầu xuất hiện. Điều này có nghĩa là hai con khó lòng thân thiết vì nhận thức và quan điểm có sự chênh lệch rất lớn.


Nếu sinh bé thứ hai khi bé đầu 8,9,10 tuổi, phải chấp nhận thực tế là các con rất thương yêu nhau, nhưng khó có thể gần gũi vì khoảng cách tuổi tác. Đặc biệt, nếu hai con khác giới tính thì khoảng cách này càng khó lấp đầy, bạn sẽ thấy chúng rất khó thân thiết và tâm sự với nhau. Trong giai đoạn này, bé lớn có nhu cầu rất lớn về việc trải nghiệm và tham gia các hoạt động ngoại khóa, việc đưa đón kèm cặp con cũng tốn không ít thời gian.


Nếu sinh bé thứ 2 khi bé đầu 11,12 tuổi, con sắp bước vào giai đoạn dậy thì, thời điểm nhạy cảm hơn bao giờ hế. Lúc này, con rất cần sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn, tinh tế của ba mẹ.


Về cơ bản, tuổi tác của hai con càng cách xa nhau, khoảng cách càng lớn. Và khi nhu cầu của hai đứa trẻ khác nhau, giờ giấc học tập khác nhau, việc đưa đón đơn giản cũng có thể trở thành bài toán khó của gia đình, chưa kể những vấn đề khác.


Tóm lại, dù chọn sinh bé thứ hai ở thời điểm nào, bé đầu vẫn sẽ luôn thiệt thòi, vẫn sẽ luôn có những vấn đề cần được cha mẹ dành thời gian và quan tâm. Mình đã từng chứng kiến một bé gái 6 tuổi ngoan hiền, hiểu chuyện nhưng lại thốt lên "Con thấy ba mẹ không còn yêu con nữa" khi mẹ mang thai em bé.


Vậy nên, đừng tự trách mình nữa nhé!


Không có thời điểm nào là tốt nhất cả. Thời điểm hoàn hảo nhất là khi chúng ta ra quyết định và dấn thân với quyết định của mình.


Tự trách móc bản thân là việc không cần thiết, vì bạn thấy đó, chuyện gì cũng có hai mặt, và đâu ai đảm bảo được sinh con lúc này thì chắc chắn cuộc sống dễ thở được hơn, hay sinh con lúc khác thì chắc chắn con sẽ không bị thiệt thòi. Điều quan trọng là cha mẹ giữ cho mình một tâm thế lạc quan, cởi mở.


Mẹ sinh em sớm, con có cơ hội để thành anh thành chị, để học được bài học về yêu thương, về sẻ chia, về chịu trách nhiệm sớm hơn các bạn.


Mẹ sinh em muộn hơn, con có em như một món quà trong cuộc đời mình, một người bạn để con sẻ chia, bảo vệ và dẫn dắt.

Và dù mẹ sinh em lúc nào, thì tất cả chúng ta đều là một gia đình. Đã là gia đình thì luôn phải học cách bao dung, yêu thương và lớn lên cùng nhau.


Mình không phải người ủng hộ quan điểm: đẻ đi rồi tính tiếp, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Nhưng mình tin rằng mỗi đứa trẻ đến với thế giới này đều là một món quà, một mối duyên lành. Chỉ là chúng ta làm sao chuẩn bị cho mối quan hệ mới tốt đẹp đó mà thôi. Trước khi ra quyết định ba mẹ cũng cần đánh giá và cân nhắc một số yếu tố như:


  • Sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần bản thân

  • Hoàn cảnh gia đình, điều kiện tài chính

  • Có ông bà, họ hàng,… phụ giúp không? Nếu không, cần phải xử lý thế nào?

  • Trạng thái sức khỏe và tinh thần của bé lớn thế nào?

Dẫu biết rằng sẽ không có thời điểm hoàn hảo nhất, nhưng cũng cần có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi quyết định đón thêm một “thiên thần” nữa. Có đôi khi, bạn chưa kịp ra quyết định thì con đã muốn đến với bạn rồi. Không sao cả, hãy hít thở thật sâu, nhẹ nhàng mỉm cười, rồi mọi việc sẽ ổn cả thôi.


Giới thiệu tác giả:

Nguyễn Kim Ngọc Quyên hiện đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và là mẹ của 2 thiên thần nhỏ: Shine (2019) và Chip (2021). Quyên tâm niệm rằng: Khi bạn nhận diện được nỗi đau và chữa lành đứa trẻ bên trong, tự nhiên bạn sẽ kết nối được với những đứa con của mình và học được cách yêu thương chúng vô điều kiện.


82 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page