top of page

"Của con! Của con" và bài học về quyền sở hữu của trẻ

Bài đăng của thành viên Bui Linh Chi trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Hôm vừa rồi mình được đọc một bài chia sẻ về sự “ích kỉ” của bé, cũng tình cờ đúng vào thời điểm mà bé nhà mình đang thể hiện quyền sở hữu rất cao, nên mình muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân với các bố mẹ.


Bé nhà mình hiện tại 27 tháng và không có cá tính nào cụ thể.


Mình hay gọi điện cho mẹ (mẹ mình ở xa) để bé nhà mình có thể nói chuyện với bà. Trong câu chuyện hàng ngày bà vẫn hay nói: ”Hôm nay con ngoan nhỉ, ăn nhiều. Hay hôm nay con lại hờn nhiều, quấy thế. Hay con mạnh mẽ, cá tính phết nhỉ?”. Và mình cũng nhận ra có nhiều bố mẹ dù vô tình hay hữu ý đều dán nhãn một “cá tính” nào đó lên con cái của mình:


- Bé nhà em là một bạn vui vẻ, hạnh phúc, thông minh.

- Bé nhà em khó tính lắm, khóc lóc suốt ngày, không chịu tự chơi

- Bé nhà em ích kỉ lắm, chẳng chịu chia sẻ đồ chơi…


Tương tự có rất nhiều những “cá tính” mà bố mẹ vô tình cho rằng đó là “nguyên bản” của con mình.


Quay lại với câu chuyện “bé nhà mình ích kỉ”. Câu hỏi đưa ra không phải là: “Sao con mình lại ích kỉ như thế nhỉ? Có vấn đề gì với con chăng?” mà nên là: “Tại sao việc con đang làm khiến bản thân bố mẹ cho rẳng đó là ích kỉ?” Có phải cái mình đang nhìn việc đó rất chướng tai gai mắt, không đúng với truyền thống thì mình cho rằng đó là “ích kỉ là xấu”, ta nên chia sẻ dù ta có muốn hay không?


Thời điểm cách đây khoảng 2 tháng, bé nhà mình vẫn chưa có xu hướng thể hiện quyền sở hữu, con thích chơi với tất cả đồ chơi, bạn mượn mẹ chỉ cần nói con chia sẻ là con vui vẻ cùng chơi, và khi bạn có lấy đồ chơi của con, con cũng chỉ nhìn mẹ và cầu cứu. Cho đến một ngày đẹp trời, con quay ngoắt 180 độ và giật lại đồ chơi từ chính tay mình hét lên: NO, MINE ( Không của con) và tiếp tục CỦA CON, CỦA CON rất dữ dội và tức giận. Thời điểm đó mình cảm thấy hừng hực muốn nhảy lên và nói: “Ai chả biết của ông, ông giữ lấy, tôi thèm vào”, và có cả những lúc do không chấp nhận được cách con nói mà mình cho rằng “như thế là hỗn, kệ ông, tôi đi”, thế là mình bỏ đi chỗ khác.


Điều gì xảy ra khi mình chọn phản ứng bằng hai cách trên:


-Tình huống mình tức giận và phản ứng ngay tức thì khiến bé phản ứng một cách dữ dội hơn, tiếp tục nói: Của con, không phải của mẹ… và điều này khiến mình càng tức hơn. Tất cả dồn mình vào chân tường và bắt đầu nghi ngờ con: Sao con lại gại ra như thế, học đâu ra cái tính trái gió trở trời như thế.


-Tình huống thứ hai: Mình bỏ đi để tránh không tức giận với con, nhưng bỏ đi trong vô minh, trừng phạt con vì cho rằng “con hỗn”, nói với con “của con cả đấy, con chơi đi”. Con nhìn theo và khóc gọi mình!


Cả hai sự phản ứng kia khiên mình chợt nhận ra một điều: À hóa ra mình chẳng khác gì con, như một đứa trẻ, con làm được, mình cũng làm được cho con xem, phải cho con biết thế nào là trên dưới, trái phải. Các bố mẹ đọc đến đây ắt hẳn cũng giật mình đúng không? Vậy chúng ta có sự giải quyết nào hợp lí hơn không?


Dưới đây là một vài cách mình đã sửa đổi khi đối diện với sự chưa hợp lí từ con:


Cách xử lí thứ nhất

-Của con, của con! CỦA CON (hét rất to)

- Của con à?

- CỦA CON.

-Vậy con có muốn tự chơi đồ chơi của con, hay con muốn cho mẹ chơi cùng?

- Của con (bắt đầu dịu)

- Ù, thế cho mẹ chơi cùng nhé!

- Mẹ chơi cùng con!

(Thế là hôm nay ăn cơm ngon rồi )


Cách xử lí thứ 2:

-MINE, MINE (của con, vẫn tiếp tục gân cổ, bé nhà mình nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt vì đang sống ở Úc,

- À, của Mai hả, không phải của Sammy đúng không? Mai là bạn nào (mình lợi dụng chữ MINE - của tôi thay bằng Mai là tên tiếng Việt của 1 bạn nào đó)

- Mine, mine (tiếp tục lẩm bẩm, không hiểu bà bô nói gì, lúc này con đang hơi bối rối, không hiểu Mai là đứa nào)

- Ù, mẹ biết của Mai rồi, con chơi đồ chơi của Mai đi nhé.

(Trường hợp này giúp giảm bớt sự căng thẳng của cả mẹ và con, sau đó tính sau!)


Thế là cậu bé cũng quên dần đi, cả mình và con đều vui vẻ sau đó. Sau những lúc như thế này, mình sẽ chọn thời điểm phù hợp với con để nói về sự chia sẻ. Mình hay có những cuốn sách để đọc cho con, nhắc lại cho con về câu chuyện trong đó: sự quan tâm, chia sẻ, tình yêu…Cuộc sống hàng ngày cũng là một cơ hội rất tốt để bố mẹ giúp con hiểu được ý nghĩa về sự chia sẻ. Ví dụ mình và chồng hàng ngày vẫn hay giúp đỡ lẫn nhau, khi ăn uống hay chia sẻ cho nhau, dành cho nhau những câu nói và hành động quan tâm… đó cũng là một cách giúp con quan sát, và ghi nhớ thay vì những bài học mang tính rập khuôn.


Điều quan trọng trong mọi tình huống là bố mẹ phải thật sự vững tâm và tin tưởng vào con của mình. Không có khái niệm “hư” ,“ngoan”, “tốt”, “xấu” mà nó chỉ là một hoàn cảnh đang diễn ra thôi. Khi bạn nói với con: “Ích kỉ là xấu, nếu con như vậy thì không ai muốn chơi với con…” thì bạn vô tình đánh mất khả năng bảo vệ vật sở hữu của con, và cũng có khả năng con đánh mất đi ý thức tự bảo vệ và giữ gìn chính “bản thân” mình. Nếu con hiểu được đó là món đồ đó thuộc về con, con hoàn toàn có quyền sở hữu và giữ nó cho riêng mình và con chỉ cần chia sẻ nếu con thực sự thoải mái. Bố mẹ không phải can thiệp ngay (trừ trường hợp cấp bách như khi con tranh giành, đánh hay cắn bạn). Điều quan trọng là bạn phản hồi thế nào sau đó.


Mình luôn luôn đặt ra những giới hạn nhất định với con: Đồ này của mẹ, con muốn dùng thì con hỏi mẹ. Mẹ không muốn con dùng nếu như chưa có sự cho phép của mẹ, (đương nhiên tùy từng độ tuổi mà mình sẽ nói ngắn gọn hơn : Của mẹ, mẹ dùng! Của Sammy, Sammy dùng). Mình nói với con như vậy từ lúc con bắt đầu hiểu những từ ngữ ngắn gọn, đến thời điểm hiện tại khi mình hỏi con: Sammy, đồ này của ai?” “của mẹ”, và con tự động đưa lại cho mẹ.


Bài viết đầu xuân năm mới tuy chỉ là một chia sẻ cá nhân, nhưng mình hi vọng có thể phần nào giúp các bố mẹ hiểu được rằng, con chỉ đang lớn lên và học hỏi, bố mẹ giúp con nhé!


À quan trọng nhất là: TIỀN LÌ XÌ là của MAI, MAI, MAI. Đừng có mà động vào! :))

66 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page