Sự tàn ác của "người thứ ba" thật sự đến từ đâu?
Người thứ ba" luôn là chủ đề nhạy cảm và nhức nhối trong các mối quan hệ tình yêu đôi lứa hay hôn nhân. Bên cạnh những mẹ kế, cha dượng đầy lòng nhân ái, bao dung, coi con riêng của đối tác như con ruột, là những cha dược, mẹ kế độc ác và cay nghiệt. Tại sao cùng là con người nhưng lại có những kẻ sẵn sàng gây tổn thương cho những đứa trẻ vô tội?

1. “KHÔNG PHẢI CON MÌNH ĐẺ RA NÊN KHÔNG THƯƠNG ĐƯỢC"?
Nếu mệnh đề này đúng, nghĩa là có một nhóm người không thể yêu thương hay nhân ái với bất kỳ ai trừ máu mủ của họ, không cứ phải là con riêng của đối tác. Việc họ hành hạ con riêng của đối tác đơn giản để thoả mãn cái ác trong họ, vì đó là đối tượng gần nhất không có khả năng tự vệ mà họ có thể ra tay thường xuyên. Những người như vậy hoàn toàn có thể ra tay với bất kỳ ai không phải máu mủ. Hãy thử phân tích vì sao họ có tâm lý này.
Những người sẵn sàng có hành vi bạo lực với người khác thường là những người từng bị bạo lực trong quá khứ. Có thể khi còn nhỏ, họ cũng là chỗ trút giận của người lớn xung quanh và thường bị trừng phạt dã man.
Não bộ con người không phải là những hộc tủ cất giữ ký ức để có thể lựa chọn ký ức nào mình muốn mở ra và ký ức nào chôn cất mãi mãi. Não bộ hoạt động như một mạng lưới dây điện phức tạp liên kết lẫn nhau. Chính vì vậy, nó ghi nhớ tất cả những cảm xúc sợ hãi, tức giận, cô độc hay việc bị bạo lực, thao túng, nhục mạ trong quá khứ ngay cả khi chúng ta không chủ đích. Khi trưởng thành, một hành động nhỏ có thể kích hoạt tất cả những ký ức này quay trở lại và thao túng hành vi của chúng ta.
Ví dụ: Khi một đứa trẻ bị đánh chỉ vì người lớn gọi không thưa, nó sẽ liên kết hành động gọi không thưa với hành động đánh, cảm giác sợ hãi, hoảng loạn và phải nghe lời sau đó. Khi trưởng thành, dù tự nhủ rất nhiều lần sẽ không lặp lại việc đó với con mình, nhưng mỗi khi gọi mà đứa con không thưa, người cha/ mẹ này vô thức bị dội lại những điều trong quá khứ đã liên kết với hành động gọi không thưa đó, khiến họ mất kiểm soát và xuống tay đánh con dã man y như họ từng bị hồi nhỏ. Đó là chưa kể đến một bộ phận lớn lên với suy nghĩ việc làm đó là đúng và mình cũng có quyền làm vậy với người khác khi mình đủ mạnh.
2. “CON RIÊNG CỦA ĐỐI TÁC LÀ KẾT QUẢ CỦA MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP TRƯỚC ĐÓ NÊN NGỨA MẮT"?
Nếu mệnh đề này đúng, nghĩa là có một nhóm người luôn mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành vi. Nếu đó là mối quan hệ tốt đẹp thì tại sao bản thân họ lại cố chen chân vào để rồi luôn bất an khi họ đã có được “chiến thắng"?
Theo nhiều nghiên cứu, những “người-thứ-ba" thường là người bị ám ảnh bởi tính sở hữu trong các mối quan hệ. Có thể họ lo sợ mình phải chia sẻ tình yêu với con riêng của đối tác hoặc tự ti khi mình không bằng người cũ nên bạo hành đứa trẻ để thị uy và che giấu sự bất an của mình. Đôi khi, “người thứ ba" làm mọi cách chen chân vào mối quan hệ không hẳn vì họ yêu đối tác, mà vì tâm lý ghen tị với “chính thất" và muốn chiếm đoạt những gì người kia có để thể hiện giá trị của họ.
Ám ảnh này có thể đến từ việc luôn bị so sánh và phủ nhận khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, ở một số gia đình có hoàn cảnh phức tạp, người con khi lớn lên chỉ là hình ảnh phản chiếu của chính cha mẹ họ khi còn trẻ.
3. LÀM SAO ĐỂ GIÁO DỤC CON BIẾT TỰ BẢO VỆ MÌNH?
Trẻ con dù được dạy dỗ cẩn thận đến đâu cũng không thể chống lại được sức của người lớn. Vấn đề không nằm ở những đứa trẻ, nó nằm ở người lớn chúng ta. Trong trường hợp này, lớn mới là đối tượng cần phải giáo dục chứ không phải bọn trẻ.
Sự thật là những bậc cha mẹ có khả năng dạy con tự bảo vệ mình thì bản thân họ cũng đủ nhận thức để không đẩy con vào tình huống nguy hiểm (như sống chung nhà với kẻ bạo hành con mình mà vẫn bao che).
Để một đứa trẻ dám kêu cứu khi bị bạo hành, con phải nhận thức được rằng bạo lực và thao túng là sai. Để nhận thức được như vậy, con phải được lớn lên trong môi trường gia đình không bị bạo hành.
Nếu bạn vẫn xuống tay đánh con, buông lời xúc phạm con và nguỵ biện rằng vì con hư, mình cần dạy dỗ, thì mọi lời bạn dạy con phải biết tự bảo vệ mình đều vô nghĩa. Chỉ cần ai đó chứng minh được con sai, con đáng bị dạy dỗ, con sẽ để yên cho người ta đánh chửi, bất kể bạn có dạy dỗ kiểu gì. Vì vậy, đừng tìm cách dạy những đứa trẻ. Hãy giáo dục chính mình và đứa trẻ sẽ bắt chước bạn.
Các bậc cha mẹ trước khi quyết định đi bước nữa, xin hãy chắc chắn rằng mình đủ vững vàng trong tâm trí, tài chính và ranh giới cá nhân để không biến bản thân thành kẻ phụ thuộc, bị thao túng. Hãy nhớ rằng khi bố mẹ buộc phải đổ vỡ, con cái là người chịu mất mát và tổn thương nhiều nhất, đừng vì bất cứ lý do gì để bắt những đứa trẻ phải tổn thương thêm. Nói như vậy không có nghĩa là khuyên bạn tiếp tục ở lại trong mối quan hệ độc hại chỉ để giữ gia đình cho con, nhưng hãy tỉnh táo.
Alicia Vu (Quỳnh)