Sự thật là chúng ta phải chấp nhận những lời nói dối của trẻ
Ký ức sớm nhất của tôi về lời nói dối của mình là khi tròn 5 tuổi, tôi có em gái. Đó là khoảnh khắc em bám vào cánh tủ để đứng lên còn tôi thì cố gắng đóng cánh tủ lại và làm kẹt tay em. Trong tiếng ré lên đau đớn của em mình, tôi thoáng thấy bóng bố mẹ chạy vụt vào và theo một suy tính nào đó, tôi cũng khóc ré lên và ôm tay như em đang làm. Sau một hồi xuýt xoa, mẹ nhận ra tôi không bị kẹt tay mà chỉ khóc theo, mẹ nói: “À, hóa ra không bị kẹt tay, chắc làm em đau nên sợ quá.”
Câu chuyện sau đó không có quát nạt trách phạt, chỉ có câu dặn dò lần sau phải cẩn thận khi chơi với em, đừng để em bị đau. Dẫu sự việc đã trôi qua nhiều năm, nhưng khi nhớ lại cảm giác đó tôi vẫn tin mình sẽ nói dối ở thời điểm đó. Và một câu hỏi hiện ra trong đầu tôi rằng: Động cơ nào đã khiến một đứa trẻ nhỏ xíu lại phải nói dối?
Trẻ nhỏ nói dối vì rất nhiều lý do, nhưng theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học trẻ em thì trẻ thường nói dối vì những nguyên nhân chính bao gồm:
Che đậy điều gì đó để tránh bị mắng, bị phạt hay gặp rắc rối
Xem phản ứng của bố mẹ có phát hiện ra việc nói dối hay không
Thử nghiệm nếu chuyện đó xảy ra thật thì sao
Làm cho câu chuyện của mình thú vị hơn
Thu hút sự chú ý hoặc làm cho mình trở nên tốt hơn
Để đạt được một mong muốn đặc biệt nào đó
Tránh làm tổn thương một ai đó
Khi trẻ lên ba, việc nói dối bắt đầu diễn ra, bởi lúc đó trẻ phát hiện bố mẹ có thể bị mắc lừa bởi những lời nói sai sự thật và trẻ muốn kiểm chứng điều đó. Lúc này, hành vi nói dối của trẻ khá đơn giản, dễ dàng bị người lớn phát hiện ngay lập tức.
Nhưng trẻ sẽ tăng dần độ tinh vi của lời nói dối khi 4 – 6 tuổi. Lúc này, trẻ đã biết kết hợp giọng nói, cử chỉ và biểu hiện của khuôn mặt để phụ họa cho hành động của mình được thực tế hơn. Dĩ nhiên, trẻ sẽ nhanh chóng thú nhận sau vài câu hỏi ngược của bố mẹ.
Càng lớn, trẻ càng cải thiện khả năng nói dối của mình để đạt được những mục đích khác nhau. Bởi trẻ đã có nhiều từ vựng và vốn sống hơn. Sẽ là khó khăn hơn cho các bậc phụ huynh để phát hiện con mình đang nói dối hay không và là vấn đề đau đầu để giải quyết nếu nói dối thành một thói quen khó bỏ của con.
Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện ra con đang nói dối?
Điều đầu tiên là hãy bình tĩnh và xác định mức độ nghiêm trọng của lời nói dối mà con đang thể hiện với bạn. Theo khuyến nghị của Tiến sĩ Matthew Rouse thuộc Child Mind Institue (Hoa Kỳ), sẽ có 3 mức độ cho lời nói dối của trẻ nhỏ mà cha mẹ cần lưu tâm.
Những lời nói dối cấp độ 1 sẽ xuất phát từ nguyên nhân bao gồm:
Con muốn xem phản ứng của bố mẹ có phát hiện ra việc nói dối hay không
Con muốn thử nghiệm nếu chuyện đó xảy ra thật thì sao
Con muốn làm cho câu chuyện của mình thú vị hơn
Đối với những lời nói dối xuất phát từ nguyên nhân này, điều bố mẹ nên làm là phớt lờ nó và chuyển hướng sự chú ý của con sang những phần thực tế khác xung quanh câu chuyện đó. Điều này giúp con nhận ra rằng việc nói dối không giúp cho những mục tiêu của mình hoàn thành. Con sẽ biết tìm cách khác – thực tế hơn – để thực hiện những mục tiêu đó.
Hoặc nếu đó giống như một câu chuyện tưởng tượng hơn là một lời nói dối thì hãy khuyến khích con kể hết câu chuyện trong tưởng tượng của mình. Bố mẹ cũng có thể đề nghị con vẽ hoặc diễn kịch lại với câu chuyện này cũng là một cách để kích thích trí tưởng tượng và khả năng ngôn ngữ cho con.
Nhưng với những lời nói dối ở cấp độ 2 xuất phát bởi những nguyên nhân như:
Con muốn đạt được một mục đích nào đó
Con muốn che đậy điều gì đó để tránh bị mắng, bị phạt hay gặp rắc rối
Con muốn thu hút sự chú ý hoặc cố ý làm cho mình trở nên tốt hơn
Bố mẹ cần bắt đầu bằng những câu hỏi nhẹ nhàng để giúp con hiểu được rằng bố mẹ đang biết con nói dối nhưng chúng ta sẽ cùng đi qua việc nói dối này bằng những hành động để cải thiện nó. Như là việc nói rằng “câu chuyện này hơi lạ nhỉ, con có nghĩ là mình muốn kể lại không?”. Câu hỏi này chính là chìa khóa báo hiệu cho con cơ hội để được thành thật với bố mẹ và chịu trách nhiệm cho lời nói của chính mình. Với các em bé ở độ tuổi 3 – 5, con sẽ nhanh chóng kể lại sự thật khi được hỏi như vậy. Nhưng với những em bé lớn hơn, việc đưa con trở về lời nói thật sẽ khó khăn hơn một chút và cần nhiều sự tinh tế của bố mẹ. Nguyên tắc ở đây là đừng cố gắng bóc mẽ hay chỉ trích con mà chỉ nhẹ nhàng hỏi con về những điều bất hợp lý con đưa ra để con có cơ hội được nói thật.
Và cấp độ nghiêm trọng nhất cần đến những biện pháp nghiêm khắc sẽ dành cho những bạn nhỏ nói dối xuất hiện vì hành vi:
Muốn làm tổn thương người khác
Liên tục tránh né, nói dối về hành vi của mình mặc dù đã được cảnh bảo về hậu quả
Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ ở độ tuổi trên 6 và đã biết cách nói dối tinh vi khiến bố mẹ khó phát hiện hơn. Như việc nói dối đã làm bài tập về nhà rồi, nói dối về việc con đã đi đâu hay việc con muốn “đổ tội” cho một ai đó về hành vi của mình. Khi con có những hành động này, bố mẹ cần ngồi xuống và nghiên cứu lại chính xác câu chuyện mà con đưa ra, hãy có câu trả lời thực tế trước khi trò chuyện với con.
Hãy đưa ra cho trẻ lý do vì sao bố mẹ biết rằng trẻ đang không thành thật, yêu cầu trẻ sửa sai hoặc đưa ra một hình phạt ngắn hạn để trẻ nhận thức được hậu quả của lời nói dối sẽ gây hại như thế nào. Ví dụ, trẻ nói dối về việc làm bài tập, hãy nhắc trẻ mở vở để bố mẹ xem và yêu cầu trẻ hoàn thành hết bài tập phải làm. Hay nếu như con đổi tội cho ai đó, hãy thong thả chờ con quay lại tâm trạng bình tĩnh và hỏi con chi tiết cũng như phân tích cho con thấy điểm bất hợp lý trong câu chuyện con đưa ra. Cùng con đi sửa sai, xin lỗi và chấp nhận trách nhiệm cho hành vi của mình là điều mà cha mẹ có thể làm với con ở tình huống này.
Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng mình không thể ngăn chặn mọi lời nói dối của trẻ
Thực tế, việc ngăn cản chặn nói dối của trẻ là không thể, vì đó là một bản năng mà trẻ hấp thụ từ chính hành vi của những người xung quanh bao gồm cha mẹ, ông bà, anh chị em trong nhà và môi trường xã hội. Chúng ta cũng có những lời nói dối trắng để tránh làm một ai đó tổn thương, cũng có những lúc không thành thật với chính bản thân và con cái.
Nhưng thật may là chúng ta đều có thể sửa sai, khi trẻ nhỏ học được cách nói dối từ người lớn thì chúng cũng học được cách sửa sai từ chính cha mẹ của mình. Nên thay vì trách phạt, chỉ trích hay hùng hổ dằn vặt con vì lời nói dối hãy thành thật với con hết mức có thể. Chấp nhận những lời nói dối trắng và đảm bảo mình là người được con tin tưởng nhất để bày tỏ mọi điều. Chỉ như vậy, việc nói dối mới không còn là vấn đề khó khăn trong giao tiếp giữa con cái và cha mẹ ở thời đại này.