Tỉnh thức giữa “mê cung” kiến thức nuôi dạy con
Lúc con mình khoảng 2 - 3 tuổi, mỗi lần làm việc gì đó mình lại gợi ý: “Đậu ơi, em có muốn giúp mẹ nhặt rau/ dọn nhà/ rán trứng không?” Và hầu hết câu trả lời dành cho mẹ là:
Một tay em đang cầm mít, một tay em đang cầm bánh, không có tay nào giúp mẹ được đâu.
Em hơi mệt mẹ ạ.
Để mai em giúp mẹ ná.
Ơ kìa, quyển sách nào mình đọc, tất cả những chuyên gia hay hot-mom mình ‘follow’ đều bảo rằng “trẻ rất thích cùng chia sẻ việc nhà với người lớn” cơ mà? Tại sao con mình lại từ chối nhỉ? Cho đến tận bây giờ, khi đã gần 7 tuổi, nó vẫn luôn khéo léo từ chối nếu có thể và chỉ làm những việc đã thoả thuận với mẹ.

Đó chỉ là một ví dụ vui về câu chuyện “lạc quẻ” giữa lý thuyết và cuộc sống trên hành trình nuôi con của bản thân mình thôi. Thực tế thì lũ trẻ còn nhiều phen làm mẹ phải “ngã ngửa” vì cách cư xử chẳng-giống-sách-chút-nào lắm. Những điều mình đã học, đã học có sai không? Chắc chắn là không, nhưng không phù hợp trong trường hợp của con mình, và có thể cũng không hoàn toàn phù hợp với nhiều em bé khác. Mỗi đứa trẻ là duy nhất nên chúng ta khó có thể mang một tiêu chuẩn hay kiến thức chung nào đó để áp dụng với tất cả.
Phải thừa nhận rằng cùng với sự phát triển của thế giới phẳng, chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại có thể tiếp cận nhiều kiến thức về việc nuôi dạy con dễ dàng như bây giờ. Điều này đương nhiên là rất có lợi. Nhờ những thông tin đa dạng, đa chiều mà cha mẹ có thể mở rộng tầm nhìn, tư tưởng, tiếp thu các thành tựu nghiên cứu khoa học và áp dụng với con cái mình. Tuy nhiên, chính vì sự quá đa dạng này mà đôi khi cha mẹ cảm thấy bối rối. Chúng ta không biết phải nghe theo ai, làm theo cách nào, làm ở mức độ nào mới hợp lý.
Thử lấy ví dụ đơn giản về các phương pháp ăn dặm. Nên cho con ăn dặm chỉ huy, ăn dặm kiểu Nhật hay ăn dặm truyền thống? Nếu như trong quá khứ, các bà các mẹ chỉ có một lựa chọn là cho con ăn bột, ăn cháo rồi đến cơm nát, thì bây giờ, những bà mẹ hiện đại phải đắn đo không ít trước khi quyết định cho con tập ăn theo phương pháp nào.
Hoặc ví dụ khác về việc thưởng – phạt. Các chuyên gia khuyên bạn rằng cần phải khen/thưởng khi con có hành vi tốt, phạt khi con có hành vi xấu. Trong việc khen lại chia ra hàng tá gạch đầu dòng: hãy khen vào quá trình, không khen vào kết quả; khen vào chi tiết, không nên khen ngợi chung chung. Đối với việc phạt cũng nhiều điều phải lưu ý không kém. Chúng ta được cảnh báo là không quy chụp hay “dán nhãn” con cái, không dùng những ngôn từ nặng nề, mạt sát v.v… Thậm chí, nếu đi sâu hơn chút nữa, cha mẹ sẽ thấy một “mê cung” phức tạp hơn của nghệ thuật giao tiếp với trẻ như: khen quá nhiều sẽ khiến đứa trẻ quen với việc được ghi nhận và hình thành nên thói quen chỉ làm việc khi được khen; nhưng nếu ít khen ngợi thì trẻ lại mất đi động lực để cố gắng.
Vậy là, chúng ta luôn phải băn khoăn xem mình nên trao đi “cây gậy” hay “củ cà rốt” như thế nào mới là đúng, mới giúp con cái nên người? Hay mình cần áp dụng với con phương pháp nào để tốt cho con nhất?
Cha mẹ à, trước hết chúng ta cần tỉnh thức.
Không có một công thức nào đúng cho tất cả trẻ em và cũng không có phương pháp nào phù hợp với mọi gia đình. Ăn dặm kiểu gì thì kết quả cuối cùng vẫn là con biết ăn. Mục đích cuối cùng của khen thưởng hay trách phạt đều là con nhận được bài học giá trị nào đó. Chúng ta phải thực sự hiểu con và hiểu bản thân trước khi chọn lọc những lý thuyết mà khi áp dụng, ta cảm thấy hiệu quả với gia đình mình.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra với những đặc điểm riêng biệt, duy nhất. Thêm vào đó, đặc trưng từ văn hóa mà em bé được thụ hưởng (môi trường gia đình, xã hội, dân tộc…) sẽ tác động đến tư duy và tư tưởng của em. Quan sát và lắng nghe giúp cha mẹ nắm bắt được tính cách, cảm xúc, cũng như hiểu điểm mạnh và hạn chế của trẻ, từ đó có thể quyết định nên áp dụng kiến thức gì. Quan sát và lắng nghe chính là bí quyết tạo ra sự kết nối. Mọi lý thuyết hay phương pháp giáo dục cũng sẽ chỉ mang lại hiệu quả khi giữa người lớn và trẻ em có sự kết nối bền chặt mà thôi.
Mặt khác, con cái cần được ưu tiên nhưng cha mẹ cũng đừng quên chăm sóc chính mình. Hãy luôn chú trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần và không cố lựa chọn những thứ tạo ra áp lực quá lớn. Ví dụ: bạn rất thích Montessori nhưng tài chính không đủ để cho con theo học trường Montessori, vậy thì đừng cố gồng để “cõng” một khoản học phí cao so với thu nhập của gia đình để rồi mỗi tháng phải căng thẳng với tình trạng thiếu trước hụt sau.
Hoặc, bạn cũng không cần phải cố nghĩ ra thật nhiều trò chơi với con hàng giờ mỗi tối khi mà bản thân đang mệt nhoài sau cả ngày dài. Hãy cho mình được phép nghỉ ngơi và chỉ cần 10 đến 15 phút thực sự chất lượng bên con mỗi ngày là đủ rồi. Chúng ta có thể thu xếp vui chơi cùng nhau dài hơi hơn vào cuối tuần.
Trong cuốn sách “Hôm nay phải mở mang” của tác giả Nguyễn Thùy Dung có một câu rất chính xác: “… đối với việc đọc sách thì mình nên đọc để có thông tin chứ không nên đọc để tin.” Với các nguồn khác cũng vậy, hãy giữ cho mình tâm thế “đọc để có thông tin”, đọc để tham khảo, để hiểu biết chứ không nhất định phải làm theo nếu hoàn cảnh của bạn không phù hợp. Thông tin có thể hữu ích với người này nhưng không hợp với người khác, và mọi kiến thức chỉ có giá trị khi nó mang lại kết quả tốt đẹp cho chính con cái và bản thân bạn.