top of page

Ta đã đủ "lớn" để làm cha mẹ?

“Đi về! Tao không có thời gian theo mày mãi đâu đấy.”


Trên sân chơi của trường mẫu giáo, một cậu trai mặc áo đồng phục học sinh đang gầm lên với em bé chừng 3 tuổi. Em không chịu về vì vẫn đang mải mê chơi. Mất kiên nhẫn, cậu bực tức bế thốc em bé vào lớp học vắng tanh, thả xuống rồi quát lớn:


“Cho mày ở đấy một mình, ai bảo không chịu về”.


Lạc biết em bé đó. Đó là bạn cùng lớp với em Bia. Nó cau mày hỏi mẹ:


“Mẹ ơi, tại sao chú kia lại quát em C.? Tại sao chú lại thả em một mình trong lớp thế mẹ? Chắc em sẽ sợ lắm.”


Chà, tôi sẽ nói thế nào với em bé của tôi đây?


Tôi có thể giải thích rằng vì em hư, chú gọi không chịu về nên chú phạt. Tôi cũng có thể nhân đó mà đe nẹt con tôi: “Đấy con thấy không, mẹ bảo về mà cứ đòi ở lại chơi mãi là chú cũng thả con vào lớp một mình đấy.” Hoặc tôi cũng có thể đánh trống lảng - tôi không muốn con phải đối mặt với thực tế rằng có nhiều em bé đang bị đối xử thiếu tôn trọng, thiếu yêu thương.


Nhưng không, tôi quyết định giải thích đúng những gì đang thực sự diễn ra:


- Tại vì chú đang muốn về rồi mà em vẫn muốn chơi. Chú không biết cách nói chuyện với em làm sao để em đồng ý về cùng. Vậy là chú cảm thấy tức giận và mắng em, dọa em.


Sự thực là như vậy. Cậu học sinh cấp 3 đó cũng chỉ là một đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành. Lẽ ra giờ này cậu đang đi chơi với bạn sau giờ học nhưng lại phải đến đón em. Hoặc có thể những hành vi của cậu hôm nay phản ánh chính cách mà người lớn đã đối xử với cậu trước đây. Tóm lại, cậu bé chưa đủ trưởng thành để chăm sóc và dạy dỗ một đứa trẻ.


Ta đã đủ “LỚN” để làm cha mẹ?


Hình ảnh cậu bé quát em lại khiến tôi nhớ đến mình và rất nhiều cha mẹ: những người sinh con khi bản thân chưa trưởng thành về mặt cảm xúc.


Bề ngoài chúng ta là những người lớn hoàn toàn tự chủ, nhưng bên trong thì có thể vẫn đang mắc kẹt đâu đó ở tuổi thiếu niên.


Độ trưởng thành về cảm xúc không đơn thuần được quyết định bởi quỹ thời gian mà một người sống trên đời. Một người đã sống cả đời người vẫn có thể ở mức trưởng thành cảm xúc ngang ngửa với một đứa trẻ lên mười.


Như tôi ở thời điểm bắt đầu làm mẹ:

  • Tôi vẫn giữ cái tôi cao chất ngất để rồi vô cùng dễ tổn thương

  • Tôi vẫn mặc định mọi thứ phải diễn ra theo mong muốn của mình, rồi đau khổ và trách cứ khi người khác không được như mình muốn.

  • Tôi quên mất không đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn xem họ có những khó khăn gì.

  • Tôi lý tưởng hóa mọi thứ, bắt mình và mọi người phải chạy theo những tiêu chuẩn cao siêu, hoàn hảo, để rồi bối rối, thất vọng, tự trách cứ mình khi không được như mong đợi.

  • Tôi không bình tĩnh tìm cách giao tiếp hiệu quả mà cứ để cơn giận chi phối hành động lời nói của mình.

Không may thay, việc chưa trưởng thành về cảm xúc gây nhiều khó khăn cho chúng ta trong quá trình làm cha mẹ. Tại sao?


Mỗi đứa trẻ được sinh ra trong trạng thái hoàn toàn non nớt


Điều này thoạt nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nó là một hiểu biết quan trọng mà chúng ta thường hay quên khi làm cha mẹ. Một đứa trẻ khi sinh ra chưa hề có hiểu biết gì về cảm xúc của chính mình. Hãy nhìn vào một em bé sơ sinh:

  • Nó tin rằng mình là trung tâm của vũ trụ, mà không biết đến sự tồn tại của những người xung quanh.

  • Nó quyết liệt đòi hỏi để những mong muốn của nó được đáp ứng. Khi đói, nó sẽ khóc cho đến khi mẹ bế lên cho bú. Nó không biết rằng về sự thỏa hiệp, không biết nghĩ đến nhu cầu của ai khác, không thể nhìn mọi việc đa chiều.

  • Nó không biết làm sao để giao tiếp ngoài tiếng khóc.

  • Nó không biết đồng cảm với người khác.

Từ trạng thái này, phải sau rất nhiều năm, nó sẽ dần học hỏi và trưởng thành về mặt cảm xúc.


Ở đây, tôi xin nhắc lại là: rất nhiều năm.


Trong rất nhiều năm đó, chúng ta chính là người ở bên và hướng dẫn cho con mình. Và cũng trong rất nhiều năm đó, chúng ta luôn phải nhắc lại mình về sự non nớt của con, để luôn luôn kiên nhẫn.


Con làm đổ cốc nước ra bàn.

Con khóc lóc mè nheo.

Con ương bướng, chỉ làm theo ý mình.

Con đánh nhau, cãi nhau.

Con nổi loạn, không chịu học hành.


Trong tất cả các tình huống đó, người ta bảo rằng cha mẹ phải giữ bình tĩnh. Nhưng làm thế nào để giữ bình tĩnh cơ chứ? Tôi đã viết bài về 3 bước để xử lý cơn nóng giận cho cha mẹ, nhưng để nó không phải là lý thuyết thì bạn phải nhận thức được rằng: Con đang làm như vậy vì con chưa trưởng thành, không phải vì muốn gây khó dễ cho ta.


Đó là điểm bắt đầu để ta rèn luyện và trưởng thành về cảm xúc. Làm sao để rèn luyện là một câu chuyện khá dài.


Thu Thủy,

48 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page