TẠI SAO CON MÈ NHEO NHIỀU HƠN KHI Ở CẠNH MẸ?
Bài đăng của thành viên Nguyen Nghia trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Gần đây ở nhà mình có một tình huống mang lại nhiều ý kiến thế này. Bạn bé nhà mình được 21 tháng và rất hiểu chuyện khi mẹ có việc phải đi ra ngoài, tức là bạn không đòi đi theo, không khóc bao giờ mà tự ra chào mẹ hoặc ngồi vào lòng bố. Chuyện là khi không có mẹ ở nhà bạn chơi rất ngoan, nhưng hễ mẹ về bạn sẽ khóc, mè nheo, đòi bế, đòi được chú ý, quan tâm, ôm ấp.
Có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra:
Con lúc nào chẳng bám mẹ, làm gì có ai cho ti được nữa, thèm sữa quá chứ sao (ơ thế nếu mẹ cai sữa rồi thì hết bám sao?)
Đứa trẻ nào cũng thế, chuyện bình thường thôi mà.
Hẳn phải có cách nào đó để con không đòi hỏi, mè nheo thế nữa. Ở nhà với mọi người có thế đâu, chỉ mẹ về mới thế?
Mẹ phải làm gì đó khác đi chứ cứ để con khóc lóc, quen thói đi!
1. Câu chuyện sau những lời nhận xét
Ở vai trò làm mẹ, hẳn bạn có chút buồn vì bản thân như đang bị tấn công hay thấy mình thật tệ. Vẫn là những nguyên tắc cũ cần nhớ:
Những gì người khác nhận xét về chúng ta không phản ánh chúng ta.
Một bài học từ chồng mình rất thấm: khi mọi người nêu ý kiến, chỉ trích một vấn đề/phương pháp, hãy nhớ rằng mọi người đang nhắm tới vấn đề/phương pháp đó chứ không phải bản thân người thực hiện phương pháp.
Mình đồng ý đôi lúc ngôn từ được sử dụng để nhận xét về vấn đề/phương pháp khiến chúng ta bị tổn thương, bạn hoàn toàn có thể phản hồi để người khác dừng lại. Tuy nhiên đừng để điều đó khiến chúng ta xây lên bức tường tự vệ. Tại vì bức tường đó sẽ ngăn chúng ta tìm ra chân lý, phương pháp đúng để giải quyết vấn đề (bảo thủ), đồng thời ngăn chúng ta kết nối với người khác (giận dỗi, xa cách).
Giải thích theo ranh giới thì:
Hãy giữ lại bên ngoài lời nói hay thái độ khiến bạn tổn thương.
Hãy mở cửa ranh giới để đón nhận chân lý, ý kiến đúng, hợp lý để giải quyết vấn đề.
Mục tiêu cuối cùng luôn là: xác định một việc có phải là vấn đề hay không? Nếu phải thì cách giải quyết đúng là gì? Cụ thể mình nên làm gì trong tình huống đó?
Vì những lời nói không được chọn lọc kỹ đôi khi khiến người mẹ cảm thấy mình đang bị chỉ trích. Cảm giác bị chỉ trích là cảm giác không an toàn. Khi cảm thấy không an toàn, một người đơn giản sẽ xù lông lên để tự vệ. Thật tiếc điều đó ngăn chúng ta nhìn ra chân lý.
Tuy nhiên cách giải quyết không thể chỉ là hướng vào người mẹ: hãy vứt bỏ tâm thế nạn nhân của mình đi, hãy nhìn vào vấn đề chính đi! Nó còn phải là sự chú ý, chọn lọc trong lời nói, lời nhận xét của những người khác. Một người không thể tự do nói theo ý mình (dù là với ý tốt và cần thiết cho cả hai bên) rồi khi nhận được phản ứng lại đổ lỗi cho bên nghe. Nó cần sự điều chỉnh hài hòa, chia sẻ, thấu hiểu từ cả hai phía.
2. Lý do con mè nheo nhiều hơn khi ở cạnh mẹ.
Theo chuyên gia phát triển trẻ em Karen Dudley thì trẻ có xu hướng thể hiện thoải mái, chân thực cảm xúc, tâm trạng của mình với người chăm sóc chính (primary care) - thường là mẹ. Người chăm sóc chính cho trẻ cảm giác an toàn, ấm áp tuyệt đối. Trẻ biết chắc chắn rằng mình sẽ không bị rút lại tình cảm khi thể hiện nhu cầu với mẹ. Người lớn cũng như vậy, bạn sẽ chia sẻ một băn khoăn, suy nghĩ, lo lắng với người bạn tin tưởng nhất, cho bạn cảm giác an toàn nhất.
Do đó, khoảng thời gian khi mẹ đi vắng, trẻ dồn nén tất cả sự khó chịu và nhu cầu ở bên trong. Khi người mẹ trở về, tâm trạng của trẻ là: A, mẹ đây rồi, nơi an toàn đây rồi, mình “xả” thôi. Đó là lý do tại sao khi đi chơi hay ở nhà cùng bố trẻ có vẻ ngoan ngoãn, nghe lời và hợp tác hơn hẳn. Chính đó cũng là lý do khiến mọi người tin rằng người mẹ đã “làm hư” trẻ.
Tóm lại, trẻ thường mè nheo với người trẻ tin tưởng nhất.
3. Cần làm gì để hạn chế sự mè nheo?
Xuất phát đầu tiên của việc mè nheo là một NHU CẦU.
Vậy với vai trò người chăm sóc chính, chúng ta cần học cách phân biệt đâu là nhu cầu chính đáng và đâu là không (đòi hỏi). Đây cũng là nhiệm vụ khó nhất.
Nhu cầu chính đáng là nhu cầu được chú ý, quan tâm, nhất là lúc gặp lại mẹ sau một khoảng thời gian. Lúc đó trẻ muốn được bế, được ôm ấp, được mẹ chơi cùng, nói chuyện cùng. Hãy cố gắng dành 15 - 20 phút bên cạnh trẻ giúp trẻ “xả” hết các nhu cầu dồn nén của mình ra ngoài. Sau đó chuyển giao trẻ cho một người chăm sóc khác. Mọi chuyện sẽ ổn hơn rất nhiều.
Nhu cầu được hỗ trợ (khi đang chơi và gặp tình huống khó không tự mình giải quyết được) hoặc nhu cầu cơ bản như ăn, uống, ngủ, nghỉ thì cần chúng ta để mắt thường xuyên hơn và đáp ứng ngay khi nó tới.
Những nhu cầu chính đáng của trẻ cần được đáp ứng càng sớm càng tốt vì nếu không chúng sẽ biến thành những trận mè nheo dai dẳng hoặc tệ nhất là một cơn tam bành (tantrums).
Bên cạnh đó trẻ sẽ có những nhu cầu không chính đáng.
Bạn phải rất nhất quán và chắc chắn mình sẽ đáp ứng những nhu cầu tới đâu. Đây chính là việc chúng ta vạch ranh giới với trẻ. Việc người mẹ có ranh giới vững vàng, ổn định giúp trẻ hiểu mình được đáp ứng các nhu cầu tới đâu thì dừng. Những nhu cầu mẹ từ chối tức là nhu cầu nằm ngoài vùng phủ sóng của mình, có đòi hỏi thêm cũng vô ích.
Bằng cách đó bạn sẽ có một em bé hiểu chuyện hơn.
Nếu bạn thấy em bé nhà mình đang mè nheo khá nhiều và dai dẳng, có lẽ mình cần xem lại kỹ năng vạch ranh giới của bản thân chứ không phải là hướng vào con và dán nhãn: hư, ích kỷ, nghịch phá, quấy, v.v.
Trẻ sẽ không ngừng đòi hỏi và thử xem giới hạn của mình tới đâu, hôm nay bố mẹ có nới lỏng nó ra không, nhưng trẻ cũng biết cách chấp nhận vùng ranh giới được bố mẹ lập ra cho mình miễn là chúng ta nói đi đôi với làm một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết.