Tại sao tôi không trả công cho con khi làm việc nhà ?
Khi Lạc lên 5 tuổi, con bắt đầu có ý thức về giá trị của tiền, hiểu rằng có thể dùng nó để mua những món đồ chơi mà con thích.
Do đó, vợ chồng tôi bắt đầu có xu hướng hứa trả tiền hoặc thưởng gì đó cho con khi con giúp một việc gì đó trong nhà, như là dọn bàn ăn, rửa bát, nhặt rau, tưới cây.
Hằng ngày, chắc hẳn bạn cũng rất dễ gặp những tình huống như thế này:
“Nếu con dọn đồ chơi sau khi chơi xong, mẹ sẽ cho con ăn kem sau bữa tối.”
“Nếu con giúp mẹ dọn mâm cơm và lau bàn đủ 7 ngày trong tuần, mẹ sẽ cho con đi siêu thị vào chủ nhật.”
Chúng ta thường có xu hướng “trả công” bằng tiền hoặc một thứ mà trẻ thích để khuyến khích trẻ làm việc nhà. Nhưng có nên làm như vậy không? Giờ bạn hãy thử tưởng tượng thế này.
Giả sử bạn là người vẫn ngày ngày đảm nhiệm việc bếp núc. Tan làm, bạn sẽ mau chóng qua chợ, rồi về nhà nấu nướng, và bữa tối thường bắt đầu lúc 19h. Nhưng chồng bạn thường về nhà lúc 18h trong trạng thái đói cồn cào. Anh muốn cơm canh phải sẵn sàng vào lúc đó.
Vậy là, anh ấy "đàm phán" với bạn thế này:
- Nếu em chịu nấu cơm nhanh hơn, để khi anh về là có cơm ăn, thì một tuần anh sẽ đưa mẹ con em đi chơi một lần, sẽ chơi với con 30 phút vào buổi tối và sửa vòi nước ngay lập tức mỗi khi bị hỏng. Bữa nào thấy ngon miệng, nghĩa là em làm tốt, anh sẽ dành trọn vẹn 30 phút trước khi đi ngủ, không dùng điện thoại, chỉ ngồi nghe em tâm sự về những chuyện đàn bà mà anh chẳng mấy quan tâm.
Hằng ngày bạn vẫn vội vàng về nhà nấu nướng, những mong chồng con được ăn ngon, gia đình có bữa tối vui vẻ. Sâu thẳm bên trong, bạn làm như vậy vì bạn MUỐN. Nó cho bạn cảm giác có giá trị, niềm vui được cống hiến cho gia đình. Bạn hạnh phúc biết bao nhiêu khi nhìn mọi người ăn ngon lành, sạch bách những gì bạn nấu. Nó là thứ nội lực bên trong bền vững nhất mà chẳng phần thưởng vật chất nào có thể thay thế được.
Vậy khi nghe những lời "đổi chác sòng phẳng" của chồng, liệu bạn sẽ vui vẻ cố gắng nấu cơm hơn nữa để được chồng bù đắp như đã hứa? Hay là, bạn sẽ chẳng còn thấy niềm vui ở công việc bếp núc, chăm chút cho gia đình nữa, vì tất cả cũng chỉ để đổi lấy một vài hành động tốt của chồng?
Giờ quay lại chuyện có nên dùng phần thưởng để khuyến khích con làm việc nhà, nên hay không?
Con cái chúng ta nên được dạy làm việc nhà vì những ý nghĩa và niềm hạnh phúc mà nó mang lại, chứ không phải coi nó là một công việc mà con miễn cưỡng làm để đổi lấy một phần thưởng.
Những việc nhà tuy nghe chẳng có vẻ gì hấp dẫn nhưng thực tế lại mang nhiều ý nghĩa cho con:
Việc nhà dạy cho con niềm vui khi được làm việc với đôi bàn tay của chính con. Bàn tay này cầm chổi, sau mỗi nhát chổi, nhà một sạch hơn. Con sẽ cảm nhận được niềm vui của lao động, biết trân quý đôi bàn tay mình vì tạo ra giá trị cho cuộc sống.
Việc nhà dạy cho con những kỹ năng cần thiết khi trưởng thành. Con tuy giờ là một đứa trẻ, nhưng sẽ có ngày con lớn lên, có cuộc sống riêng. Mỗi việc nhỏ con làm đều là cơ hội để luyện tập kỹ năng tự chăm sóc bản thân, thu vén cho cuộc sống của chính mình
Việc nhà là cơ hội để con đóng góp cho gia đình, được là một thành viên thực sự của gia đình. Nó giúp cho con cảm thấy giá trị tồn tại của mình trong một tập thể. Đó là khởi nguồn của lòng tự trọng ở trẻ, giúp con hình thành sự tự tin trong tương lai.
Nên để những việc có ý nghĩa như vậy vừa là trách nhiệm nhưng cũng là quyền lợi của con. Nó bắt đầu từ chính động lực bên trong: nhu cầu được cống hiến, được cảm thấy có giá trị cho người khác.
Muốn như vậy thì bản thân cha mẹ phải hiểu được ý nghĩa của những công việc nhà dù nhỏ nhặt. Hãy dừng việc dùng phần thưởng, một thứ động lực bề nổi bên ngoài để khiến con làm việc nhà. Việc dùng phần thưởng sẽ khiến con mất đi ý chí tự thân, có thói quen chỉ làm việc khi bị thúc ép hoặc nhằm mưu lợi cá nhân mà thôi.
Vậy bạn hỏi làm thế nào để khuyến khích con làm việc nhà? Hãy thử những gợi ý sau nhé:
Chọn giao cho con những công việc phù hợp với lứa tuổi và chấp nhận kết quả không hoàn hảo, ngay từ khi con còn bé.
Khi đã giao việc gì, hãy cho con đủ thời gian để làm với tốc độ của mình, không thúc ép, chỉnh sửa quá nhiều.
Làm gương cho con bằng cách thực sự tận hưởng những công việc nhà mà bạn đang làm.
Hãy chân thành ghi nhận sự nỗ lực của con. Phần thưởng lớn nhất cho con không phải là tiền, đồ chơi hay một chuyến đi công viên. Đó đơn giản là vẻ mặt biết ơn và vui sướng của bạn khi con giúp bạn việc gì. Một vài câu nói bạn có thể tham khảo: “May mà có con giúp mẹ nhặt rau nên nhà mình được ăn cơm sớm”; “hôm nay mẹ thấy nền nhà sạch quá, con vừa lau nhà phải không?”; “mẹ rất vui khi có con cùng dọn bàn ăn với mẹ”
Chúc bạn và em bé của bạn tìm được niềm vui trong những công việc nhà nhỏ nhất!
Thu Thủy,