top of page

THỰC PHẨM TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG CHO MẸ SAU SINH

Sau khi vượt cạn, người mẹ mất nhiều máu, sức lực nên hệ thống miễn dịch cũng suy giảm. Chính lúc này là cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công mẹ và truyền sang cho bé.


Để có cơ thể khoẻ mạnh, ngoài ngủ nghỉ, vận động nhẹ nhàng, mẹ cần giữ tinh thần luôn thoải mái và có chế độ ăn uống khoa học, cần bằng.


Ngoài ra, mẹ cần chú ý bổ sung thêm thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng như vitamin, khoáng chất, probiotic…




BỔ SUNG NHỮNG THỰC PHẨM GIÀU VITAMIN VÀO KHẨU PHẦN ĂN


1. Vitamin A

Vitamin A được biết đến như một loại vitamin chống viêm vì nó có vai trò quan trọng trong việc tăng cường chức năng miễn dịch. Vitamin A tham gia vào sự phát triển của hệ thống miễn dịch và đóng vai trò trong điều tiết trong các phản ứng miễn dịch tế bào và các quá trình miễn dịch dịch thể.


Lượng vitamin A dành cho mẹ cho con bú là 1300 mcg RAE.


Nguồn cung cấp vitamin A phổ biến là gan và dầu cá. Ngoài ra vi chất dinh dưỡng này còn có trong trứng, sữa, các loại rau màu xanh thẫm và các loại trái cây màu đỏ như cam như cà rốt, cà chua, củ cải đỏ, bí đỏ…


2. Vitamin B6


Vitamin B6 là vi chất dinh dưỡng trung gian cho nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể, bao gồm chuyển hoá axit amin, tạo gluconeogenes, chuyển hóa lipid, phát triển và hoạt động của hệ thần kinh.


Vitamin B6 có nhiệm vụ giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy sản xuất các tế bào lympho và protein interleukin -2 (một loại protein điều chỉnh hoạt động của các tế bào bạch cầu). Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể gây ra thay đổi tâm trạng và giảm các kháng thể cần thiết để tránh nhiễm trùng.


Đối với thời kỳ cho con bú, lượng vitamin B6 được khuyến nghị tăng lên 2,0 mg.


Vitamin B6 có nhiều trong sữa, cá hồi, trứng, gan gà, thịt bò, cà rốt, cải bó xôi, khoai lang, khoai tây, bơ, đậu gà, chuối…


3. Vitamin C




vitamin C tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giúp các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn, củng cố hệ thống phòng thủ của da và giúp vết thương nhanh lành hơn.


Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày cho những người đang cho con bú là 120 miligam (mg)/ngày.


Vitamin C tan trong nước nên nếu dư thì sẽ bị đào thải ra ngoài cơ thể, nên cần phải bổ sung hàng ngày qua các thực phẩm tự nhiên. Cam, quýt, cà chua, khoai tây, ớt đỏ và xanh, dâu tây, ổi, bông cải xanh, cải bó xôi, chùm ngây... là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C. Bà mẹ đang cho con bú nên ăn 5 phần trái cây, rau củ mỗi ngày có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin C.


Ngoài ra, loại vitamin này còn rất nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng nên tốt nhất là nên ăn sống hoặc hấp, xào nhanh với dầu. Lưu ý là nên chọn các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu oliu, dầu hạt cải,... để phòng tránh các vấn đề liên quan đến tim mạch.


4. Vitamin D


Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phản ứng miễn dịch, tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T và đại thực bào, bảo vệ cơ thể bạn chống lại các tác nhân gây bệnh.


Phụ nữ đang cho con bú cần 600 IU (đơn vị quốc tế)/ ngày.


Cách tốt nhất để hấp thụ vitamin D là tắm nắng và bổ sung qua đường ăn uống. Vitamin D có nhiều trong cá hồi, sữa, cá ngừ, nấm…


5. Vitamin E


Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, chống lại sự nhiễm trùng. Vitamin này có nhiều trong các loại hạt như hạt hạnh nhân, hướng dương, hạt thông, quả phỉ… và các loại dầu chiết xuất từ những loại hạt này. Nó cũng được tìm thấy trong quả bơ, cá hồi...


Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú cần 19 mg/ngày.


KHOÁNG CHẤT GÓP PHẦN LÀM TĂNG SỨC MẠNH CỦA CƠ THỂ


1. sắt


Sắt là nguyên tố cơ bản cho sự phát triển bình thường của hệ thống miễn dịch. Thiếu sắt ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch đầy đủ. Vai trò của sắt trong miễn dịch là cần thiết cho sự tăng sinh và trưởng thành của tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào lympho, liên quan đến việc tạo ra phản ứng cụ thể đối với nhiễm trùng.


Sắt có hai dạng chính là sắt heme (nguồn gốc từ động vật): gan, thịt bò, hải sản có vỏ, lòng đỏ trứng… và non heme (nguồn gốc từ thực vật): đậu phụ, các loại đậu, rau sẫm màu như cải bó xôi, bông cải xanh, rau cải ngọt… Để tăng khả năng hấp thụ sắt non heme nên kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C.


Lượng sắt khuyến nghị cho phụ nữ trong thời kỳ cho con bú (từ 19 -50 tuổi) là 9 mg/ngày.


2. Kẽm




Kẽm có vai trò hỗ trợ hệ thống miễn dịch, bằng cách cho phép cơ thể tạo ra các protein và ADN, góp phần chữa lành vết thương.


Lượng kẽm được khuyến nghị cho bà mẹ cho con bú là 12mg/ngày.


Cách tốt nhất để nhận đủ nhu cầu là bổ sung qua đường ăn uống. Các thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, gà, vị, hải sản (hàu, tôm…) các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, sữa…


BỔ SUNG THỰC PHẨM GIÀU PROBIOTIC


Mạng lưới vi khuẩn đường ruột phát triển mạnh mẽ có thể giúp các tế bào miễn dịch của bạn phân biệt được các tế bào bình thường, khoẻ mạnh và các vật lạ xâm nhập gây hại cho cơ thể.


Do đó, bổ sung probiotic vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách giúp xác định được và nhắm đúng mục tiêu các mầm bệnh có hại. Các thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, kefir, natto...




Tóm lại, một chế độ ăn đa dạng, cân bằng: nhiều rau củ, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh có thể giúp bạn nhận đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đây cũng là chìa khoá cho một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.


45 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page