Thiền tập cơ bản dành cho cha mẹ
Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
1. Tư thế
Tư thế phổ biến nhất là thiền ngồi. Bạn không nhất thiết phải ngồi ở tư thế kiết già như bình thường chúng ta vẫn nhìn thấy ở các hình ảnh về thiền. Mình để ở đây một số bức ảnh minh hoạ để mọi người tham khảo.
Mỗi người sẽ tìm ra cho mình tư thế ngồi thoải mái và hiệu quả nhất sau một thời gian thiền. Nếu bạn áp dụng cách a một thời gian và nhận thấy một vài sự khó chịu làm ảnh hưởng tới việc tập trung, hãy điều chỉnh đôi chút về chân hay tay.
Ngoài ngồi, bạn còn có thể thiền ở tư thế nằm, đứng hay đi hay thậm chí là lúc làm bất kỳ việc gì khác trong ngày. Nếu bạn đang quan sát thân thể và tâm trí mình - bạn đang chú ý vào giây phút hiện tại (hay còn gọi là chánh niệm), ấy là bạn đang thiền rồi.
Với mình, khi cơ thể mệt mỏi mình sẽ thiền nằm, khi tâm trí xao động mình sẽ thiền ngồi. Mỗi sáng mình thích dành thời gian ngồi một lúc yên tĩnh. Trong ngày lúc đi lại, làm việc, chơi, ăn uống, nói chuyện mình luôn nhắc nhở bản thân tập trung vào thứ đang diễn ra
* Lưu ý:
- Mình tập thiền không nhằm để đạt tới một trạng thái cao siêu nào.
- Thiền rèn luyện mình cách điều hướng tâm trí để không bị xao nhãng bởi các dòng suy nghĩ.
- Đến nay mình đã thiền liên tục được 4 tháng từ 20-30 phút/lần, trước đó mình có tập nhưng với lượng thời gian ngắn hơn và đứt quãng.
2. Thời gian
Tốt nhất bạn cố gắng sắp xếp được một khoảng thời gian, không gian yên tĩnh, chỉ có một mình.
Nếu bạn bận con cái thì cũng không có vấn đề gì. Mỗi sáng khi mình dậy thiền ở phòng ngoài, đôi khi con dậy sớm đi ra ngoài thấy mẹ ngồi thiền thì nằm xuống bên cạnh im lặng. Mẹ đã dặn từ trước với con là khi thấy mẹ thiền con tránh làm phiền mẹ. Đôi khi còn bận cả bé nhỏ, mình tranh thủ vừa chăm con vừa thả lỏng cơ thể và thiền luôn.
Như mình đã nói ở trên, mọi người đừng áp cho thiền một định nghĩa nào đó quá cao siêu, xa lạ, không dành cho mình, chỉ dành cho những ai theo đạo Phật, chùa chiền. Mình hãy giải phóng cho chữ “thiền” bằng việc hiểu nó là cách mình chú ý vào hiện tại và quan sát những gì đang xảy ra ở bên trong mình.
Theo như vậy một ngày có 24 giờ, ban đầu chúng ta chỉ tập một ít trong một khoảng thời gian, hoặc có thể mỗi lần một ít. Ở mỗi khoảng đó chúng ta ý thức được bản thân, vậy định hướng lâu dài là kéo khoảng thời gian ý thức bản thân đó ra càng dài càng tốt.
Tuy nhiên bản thân mình vẫn đề cao việc thiền ngồi trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày.
3. Nguyên lý thiền
Ban đầu trước khi thực hành thiền, bạn đừng nghĩ mình thiền để đạt được KẾT QUẢ gì đó vội. Cái đó khiến mình dễ bỏ cuộc ở thời gian đầu vì gây ra sự nôn nóng.
Thiền là để QUAN SÁT. Quan sát xem thân và tâm mình đang như thế nào, chuyện gì đang diễn ra ở đó.
Niềm vui từ thiền nên tới từ sự thư giãn, thả lỏng, nhẹ nhõm, khám phá nội tâm. Hãy hình dung nội tâm mình như một “sở thích” nào đó của bạn. Nếu bạn thích viết lách, bạn viết thật nhiều, tìm hiểu nhiều về kỹ năng viết, cách thức viết, tìm hiểu về giọng văn của mình, v.v. Nếu bạn thích nấu ăn, bạn dành thời gian tìm hiểu công thức nấu ăn, đọc sách về nấu nướng, tìm hiểu về các loại gia vị, cách kết hợp sao cho có vị ngon, nấu thế nào để có sự hoà hợp, đảm bảo sức khoẻ, v.v. Vậy nếu có bất kỳ động cơ nào đó khi hành thiền, theo mình nên là HIỂU MÌNH: để biết mình thường nghĩ gì, có xu hướng nghĩ như thế nào ở những tình huống nhất định, cảm xúc của mình thay đổi ra sao, mình đang đau, mỏi ở đâu, có chỗ nào cần mình để ý, chăm sóc nhiều hơn một chút, v.v.
Thiền cũng là để BUÔNG BỎ, gạn lọc suy nghĩ.
Không “CHIẾN ĐẤU” với bất kỳ suy nghĩ nào trong đầu. Nếu bạn thấy mình đang trách móc, đổ lỗi, phán xét, ghen ghét, đố kỵ, thù hằn ai đó, đừng tự nói với mình: mình lại nghĩ thế rồi, không được nghĩ như vậy, sao mình lại nghĩ xấu thế nhỉ?,v.v.
Để thiền tốt cũng là một quá trình, mà trong quá trình nào cũng sẽ có những thay đổi lên xuống, căng chùng. Hãy THẢ LỎNG mọi thứ: nếu mệt, đau đầu hay căng thẳng thì nghỉ ngơi, chờ mọi thứ ổn hơn mình lại tiếp tục hành trình.
4. Một số lợi ích từ thiền
Hiểu bản thân mình
Tăng khả năng nhận biết, dự đoán được điều gì có thể tới để điều chỉnh sớm
Từ đó tăng khả năng quản lý cảm xúc
Tăng khả năng thấu hiểu người khác
Biết yêu thương, chăm sóc chính mình từ đó biết chăm sóc cho người khác
Nhận biết tâm lý tranh đua thắng thua và dừng lại đúng lúc
Nhận biết được những yếu tố lành mạnh/không lành mạnh để chọn làm/không làm, tham gia/không tham gia.
5. Quá trình thiền
5.1. Khi bạn nhắm mắt lại, suy nghĩ xuất hiện. Hãy chú ý sẽ thấy bạn và suy nghĩ của bạn tách biệt với nhau. Bạn không phải là những suy nghĩ đó. Suy nghĩ đến rồi sẽ đi. Chúng ở lại là vì bạn níu kéo chúng, không buông được chúng ra. Điều đó khiến cho bạn mệt mỏi và đau khổ.
Vậy khi thực hành thiền, suy nghĩ A tới bạn cần tự nhủ: à, mình đang nghĩ tới chuyện A. Sau khi được nhận biết, suy nghĩ A biến mất. Suy nghĩ B xuất hiện, bạn tự nhủ: à, mình đang nghĩ tới chuyện B. Sau khi được nhận biết, suy nghĩ B biến mất. Tiến trình cứ thế tiếp diễn.
Thực hành đủ lâu, thì giữa suy nghĩ A và suy nghĩ B xuất hiện một khoảng không, ở đó không có suy nghĩ gì cả, trong khoảng đó bạn cảm thấy rất nhẹ nhàng, tự do. Tuy nhiên đây là đường hướng để bạn hình dung. Ban đầu bạn có thể chưa có được nó, đừng tìm kiếm hay mong nó xuất hiện, vì khi đó là bạn đang có mong muốn kiểm soát khi thiền.
Cách này tập trung vào GHI NHẬN suy nghĩ.
5.2. Có một cách thức khác là bạn điều hướng sự chú ý của mình sang hơi thở và cơ thể. Bạn hình dung suy nghĩ như là em bé đang quấy, đòi hỏi được quan tâm, muốn mình là trung tâm của vũ trụ.
Nhiệm vụ của bạn là nhẹ nhàng mà kiên quyết tập trung vào điều cần thiết: hơi thở, cơ thể của tôi quan trọng hơn, tôi sẽ tập trung vào chúng và không có thời gian, năng lượng dành cho bạn - tức là những suy nghĩ - đâu, bạn cần học cách tự nín, tự lắng xuống.
Tại vì nếu chú ý vào việc ghi nhận suy nghĩ như cách trên, một số người có thể bị hai lần dính mắc vào chúng. Một là chú ý vào chúng, hai là nỗ lực đẩy chúng đi. Hai trở ngại này sẽ gây khó khăn gấp đôi.
Vậy cách này là chúng ta tập trung vào BỎ QUA suy nghĩ, hướng sự chú ý sang hơi thở hay cảm giác trên thân thể để thư giãn ở những nơi đang căng cứng chẳng hạn.
6. Khó khăn có thể gặp phải
Bạn có thể đang vướng mắc vào một quy trình, phương pháp nào thiền nào đó mà bạn đọc được.
Làm theo một phương pháp khiến cho tâm trí mình mệt mỏi, nhanh chán vì cứ phải lo lắng xem mình tập đúng chưa, thở như này chuẩn không.
Bạn mong ngóng kết quả thay vì tập trung vào quá trình.
Bạn lo lắng khi thấy mình bị suy nghĩ kéo đi liên tục và nản chí.
Tâm trí nảy ra các ý nghĩ bất chợt liên tục, thúc đẩy bản thân phải làm ngay làm luôn và bạn không cưỡng lại được.
Tâm trí bạn còn có mong muốn điều khiển, kiểm soát rất tinh vi mà bạn không nhận ra được. Chính điều này khiến cho bạn ngại thiền, mỗi lần thiền thì rất căng thẳng và đau đầu.
7. Cách khắc phục
Luôn ghi nhớ nguyên lý thiền
Có thể hỏi người có kinh nghiệm hơn về những vướng mắc của mình
8. Sách đọc thêm tham khảo
Mình đọc sách của thầy Thích Nhất Hạnh: An lạc từng bước chân, Quyền lực đích thực, Giận, Muốn an được an.
Trang web của Làng Mai
Sách và kênh YouTube của Eckhart Tolle
Mọi người bổ sung thêm nữa nhé!