Dạy con cách thiết lập và duy trì những RANH GIỚI lành mạnh trong các mối quan hệ
Đã cập nhật: 6 thg 3

Bài đăng của thành viên Hoàng Ngọc trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống đều cần có những ranh giới lành mạnh để củng cố và duy trì chúng, từ các mối quan hệ trong gia đình tới mối quan hệ bạn bè, quan hệ yêu đương và các mối quan hệ trong công việc… Mỗi chúng ta đều có những nhu cầu cá nhân cần được người khác lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng. Thiết lập ranh giới chính là cho người đối diện biết được giới hạn của mình về những gì mình chấp nhận được và những gì không chấp nhận được.
Dạy trẻ cách thiết lập ranh giới là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị cho chúng một tương lai độc lập, vững vàng, bình an và hạnh phúc. Ranh giới chính là thứ sẽ bảo vệ chúng khỏi những trải nghiệm mang tính tiêu cực và tổn hại. Một đứa trẻ có những ranh giới rõ ràng sẽ có thể quyết đoán nói “KHÔNG” khi cần thiết, có thể tự đứng lên bảo vệ bản thân khi cảm thấy những ranh giới của mình bị xâm phạm thay vì trở thành một người lớn cả nể, nhu nhược, bất lực và vô vọng.
Ranh giới có thể được lập ra dựa trên những yếu tố như: Thời gian cá nhân, không gian cá nhân, đồ đạc/tài sản sở hữu cá nhân, sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ thể chất, hệ giá trị và niềm tin v.v
Bạn có thể tham khảo một số ranh giới được mình ví dụ dưới đây!
Ranh giới về tài sản cá nhân trong mối quan hệ gia đình:
“Chị rất yêu quý em, và chị sẵn sàng cho em mượn váy áo của chị để mặc khi đi chơi với bạn bè. Nhưng sau khi mặc, em cần giặt giũ thơm tho và trả lại đồ cho chị. Nếu không, chị sẽ không bao giờ cho phép em đụng vào tủ quần áo của chị một lần nữa!”
“Con yêu mẹ, con sẵn sàng hỗ trợ phần nào nếu mẹ gặp khó khăn mà không cần hoàn lại. Nhưng con không thể đi vay tiền trả nợ cá độ bóng đá cho con trai mẹ! Nó lớn rồi và cần phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình!”
Ranh giới về tài sản cá nhân, thời gian cá nhân trong mối quan hệ bạn bè:
“Mình rất quý mến bạn. Mình rất sẵn lòng cho bạn mượn đồ, nhưng mình cảm thấy không được tôn trọng khi bạn tuỳ ý sử dụng đồ đạc của mình mà không xin phép. Nếu bạn còn tiếp tục như vậy, mình xin phép nghỉ chơi với bạn!”
“Mình rất quý mến bạn và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Nhưng lần trước bạn mượn tiền của mình đã thất hẹn rất lâu mà chưa trả, mình sẽ không tiếp tục cho bạn vay tiền nữa.”
“Mình rất sẵn sàng hỗ trợ bạn, nhưng hôm nay mình có rất nhiều công việc phải xử lý trong giờ hành chính. Vì việc bạn nhờ có vẻ không khẩn cấp nên mình sẽ trả lời tin nhắn của bạn vào tối nay sau khi tan làm về nhà nha!”
Ranh giới về thời gian và không gian cá nhân trong công việc:
“Em sẵn sàng tăng ca hỗ trợ công việc của công ty khi có công việc khẩn cấp. Nhưng với những công việc thường ngày, em xin phép sếp chuyển nó thành hạng mục ưu tiên xử lý vào buổi sáng ngày làm việc tiếp theo!”
Ranh giới về danh dự, sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần trong tình yêu:
“Em yêu anh và em tin tưởng anh, nhưng em sẽ cảm thấy không thoải mái với những hành vi quá thân mật, gần gũi của anh với bạn gái thân. Anh có thể đi chơi chung với họ, có thể chuyện trò tâm sự nhưng vui lòng không có những hành vi tiếp xúc cơ thể như ôm, hôn, nắm tay, khoác vai… được không ạ?”
“Em yêu anh, em chấp nhận việc đôi khi chúng ta có thể có những bất đồng trong quan điểm. Khi mâu thuẫn nảy sinh em nghĩ chúng ta có thể im lặng vài ngày để suy nghĩ cho thấu đáo. Nhưng em sẽ không chấp nhận nếu trong những lúc như vậy, anh văng tục chửi bậy, hay đụng chân đụng tay gây tổn hại tới thân thể và sức khoẻ của em. Chỉ cần phát sinh một lần duy nhất anh bạo hành em thôi, mối quan hệ của chúng ta sẽ chấm dứt. Anh đồng ý không ạ?”
- - -
Các ranh giới cũng cần được thiết lập mức độ ưu tiên, để chúng ta có thể cân nhắc việc tha thứ hay không tha thứ cho những hành vi xâm phạm. Ví dụ, bạn có thể xếp hạng những hành vi xâm phạm vào thời gian và không gian cá nhân của mình ở mức độ thấp hơn, ít nghiêm trọng hơn so với những xâm phạm vào danh dự, sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Thực tế, đây chính là thước đo của cá nhân mình để xác định mức độ nghiêm trọng của tình huống, là cơ sở để mình ra quyết định nên tiếp tục hay chấm dứt một mối quan hệ dù thân hay sơ.
Nếu coi mình như một ngôi nhà, thì những ranh giới này chính là hệ thống tường bao bảo vệ căn nhà. Tường bao càng cao càng vững chắc, cuộc sống của ta càng bình an. Những vị khách đường hoàng tử tế sẽ được niềm nở chào đón, có thể bước thẳng vào nhà với cánh cổng mở rộng. Còn cứ lăm le đục tường, phá tường lẻn vô thì chỉ có những thành phần trộm cướp lưu manh mà thôi.
Đối với trẻ nhỏ với vòng tròn quan hệ chưa phức tạp, việc thiết lập ranh giới khá đơn giản. Ở bài viết sau, mình sẽ chia sẻ case study thực tế về việc mình dạy Tin Tin 4 tuổi cách thiết lập ranh giới lành mạnh như thế nào cho mọi người cùng tham khảo nha!
- - -
P/S:
Bài viết này mình đẩy lên sớm hơn so với những nội dung dạy kĩ năng sống trong chuỗi bài Prepare Our Kids For Life vì phải chứng kiến một chuyện quá đau lòng. Đó là bi kịch hôn nhân đời mẹ lặp lại ở cuộc đời người con gái – khi cô ấy không biết cách thiết lập và bảo vệ những ranh giới lành mạnh của mình, để cho người chồng vũ phu tuỳ ý xúc phạm danh dự của cô ấy, đánh đập cô ấy tàn bạo, doạ đâm chết cô ấy trước mặt hai đứa con trai và con gái. Buồn hơn nữa, đó không phải là lần đầu tiên hắn hành xử như vậy.
Một người phụ nữ sao có thể dạy cho con gái mình về những ranh giới lành mạnh cần thiết cho các mối quan hệ, nếu bản thân cô ấy vẫn cho phép kẻ khác xâm phạm nghiêm trọng vào những ranh giới của chính mình? Liệu con gái của cô ấy có thể lớn lên bình an, hạnh phúc mà không lặp lại bi kịch của bà, của mẹ nó hay không? Mọi sự dạy dỗ chỉ bảo sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta không làm gương cho con. Chúng ta sống có hạnh phúc, có tôn nghiêm, thì con cái của chúng ta mới có thể noi gương cha mẹ mà trở nên vững vàng, bình an khôn lớn.
Thời gian, sức khoẻ, tình cảm, sự bao dung và kiên nhẫn của chúng ta là có hạn, vậy nên hãy dành chúng cho những con người, những mối quan hệ xứng đáng thay vì những thành phần độc hại.