Bí quyết để dễ dàng duy trì sự ngăn nắp trong gia đình
Bài đăng của thành viên Nga Mạc trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Để duy trì một không gian ngăn nắp một cách lâu bền và dễ dàng thì các thành viên trong gia đình đều cần tham gia và có trách nhiệm trong việc duy trì ngăn nắp, bao gồm các công việc sau:
1. Quyết định giữ hay bỏ
Với đồ đạc cá nhân, từng thành viên trong gia đình đều cần nắm rõ số lượng, nhu cầu của mình bao gồm bố, mẹ và con nhỏ trên 3 tuổi. Với em bé dưới 3 tuổi, mẹ sẽ là người chịu trách nhiệm chính với đồ đạc của bé.
Khi mỗi người đều có trách nhiệm với đồ đạc của mình và tập trung vào việc giữ đồ đạc của bản thân ngăn nắp thì khối lượng công việc dọn dẹp trong gia đình đã giảm đi một nửa. Thay vì một người duy trì ngăn nắp cho cả gia đình thì chỉ cần kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở khi đã có quy định, quy tắc cụ thể về ngăn nắp.
Đây cũng là trách nhiệm cơ bản của mỗi cá nhân, biết cách chăm sóc và quản lý tài sản của mình. Nếu không được rèn luyện sớm thì từ thói quen không dọn dẹp sẽ hình thành tính cách cẩu thả, vô trách nhiệm. Với tính cách này thì dù bạn có tài năng đến đâu cũng khó lòng đạt được thành công trong cuộc sống.
2. Quyết định cất giữ ở đâu
Cất giữ ở đâu để dễ dàng sử dụng phụ thuộc phần lớn vào thói quen cá nhân, hành vi sử dụng. Do đó nếu người khác cất giữ giùm thì tình trạng không tìm thấy đồ sẽ thường xuyên xảy ra. Đó là lý do vì sao mỗi người cần học cách tự dọn dẹp và sắp xếp cho mình để duy trì ngăn nắp.
Với đồ đạc của người khác, để tìm ra cách cất giữ phù hợp thì cần trao đổi về thói quen và hành vi sử dụng. Sau đó dựa trên quy tắc sắp xếp chung mà đưa ra phương án cất giữ phù hợp. Đồng thời, cần hướng dẫn lại về vị trí của từng nhóm đồ sao cho người sử dụng chính có thể tự duy trì về sau này.
3. Duy trì đúng nơi cất giữ
Ngay cả em bé từ 2 tuổi đã có thể học cách sắp xếp và cất đồ đạc đúng chỗ. Ba mẹ càng giao việc sớm thì con cái tự lập mà ba mẹ càng nhàn. Chỉ cần có quy tắc và kiên nhẫn hướng dẫn thì bất cứ ai cũng đều làm được phần sắp xếp nơi cất giữ này.
Với người lớn trong gia đình, việc xây dựng quy tắc cất giữ sao cho mọi thành viên chỉ cần nhìn là hiểu rõ quy định và giới hạn cho từng nhóm. Nếu trong quá trình sử dụng có xảy ra tình trạng lẫn nhóm thì cần nhắc nhở để duy trì đúng chỗ.
Trách nhiệm ngăn nắp phần lớn thuộc về cá nhân và cũng là quyền lợi của mỗi người, vậy nên từng người chủ động ngăn nắp mới tạo nên nề nếp gia đình. Khi ngăn nắp trở nên tự động thì sẽ dễ dàng cả cho người quản lý gia đình và người thực thi công việc hàng ngày. Điều này đúng với cả những gia đình có giúp việc và trẻ nhỏ.
Để thực sự ngăn nắp không chỉ biết cách buông bỏ với đồ đạc vật chất mà còn là buông bỏ trách nhiệm với việc ngăn nắp của người khác và khiến họ chủ động ngăn nắp trong cuộc sống hàng ngày.
Vậy nên, ngăn nắp đúng cách sẽ giúp mỗi người có quyền lợi, trách nhiệm và trưởng thành qua năm tháng. Hãy bắt đầu ngăn nắp ngay hôm nay để không gian và cuộc sống tốt hơn bạn nhé!