‘’TIME IN’’ HAY ‘’TIME OUT’’ ?
Bài đăng của thành viên Nguyen Vy Anh trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Chắc hẳn bạn đã nghe về ‘’TIME OUT’’ khá nhiều qua các tài liệu giáo dục trẻ em thường xuyên nhắc đến. ‘’Time out’’ được biết như một phương pháp kỷ luật được dùng để giải quyết cơn Tantrum của trẻ (trẻ khóc lóc, ăn vạ, đánh người khác,....).
Cụ thể là trong nhà sẽ có một khu vực được quy ước từ trước, chẳng hạn như góc tường hay sofa và trẻ ở tại đó trong một thời gian quy định (3 phút, 5 phút hoặc có thể hơn), trong khoảng thời gian đó sẽ không có ai trò chuyện cùng trẻ, mục đích để trẻ tự kiểm điểm về lỗi mình đã phạm, cho đến khi thời gian quy định kết thúc. Ta có thể hiểu tiêu chí của ‘’time out’’ là : ‘’Con không ở cùng và không truyền tải thông điệp nào’’, ‘’Con tự bình tĩnh và tự nhìn nhận vấn đề này.’’
Đây được xem là phương pháp ‘’nhân văn’’ hơn so với các phương pháp kỷ luật truyền thống như quát nạt hay đánh đòn trẻ.
Tuy là vậy nhưng hiệu quả mà phương pháp này mang lại thì không khá khẩm hơn so với các phương pháp truyền thống là bao. ‘’Time out’’ sẽ giúp cha mẹ cảm thấy có vẻ như hiệu quả vì sau mỗi lần thực hiện giờ phạt con sẽ dừng hẳn hoặc hạn chế phạm lại lỗi đó. Bên cạnh đó, hệ quả của nó mang lại thì không hề ít:
Trẻ sẽ dễ cảm thấy bị cô lập, bị từ chối, và sinh ra nỗi sợ hãi, bối rối mông lung. Trong thời gian ‘’time out’’ con sẽ không có người cùng chia sẻ hay đồng cảm với những khó khăn trong tình huống con gặp phải. Từ đây con sẽ hình thành tư duy nguyên nhân-hệ quả, đó là làm sai thì sẽ không được hỗ trợ.
‘’Time out’’ không thực sự giúp trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc của mình hoặc giúp chúng học các giá trị đạo đức như đúng sai. Vì trong quá trình diễn ra ‘’time out’’ không cho phép cha mẹ đề cập đến những nguyên nhân sâu xa của vấn đề để hiểu con hơn.
Sau khi hết thời gian quy định, trẻ sẽ học được rằng, cảm xúc tiêu cực nên bị xua đuổi hay phớt lờ, rằng là con không thể ở bên người khác khi con mang trong mình những cảm xúc tiêu cực, sự tự ti và xấu hổ sẽ nhen nhóm từ đây.
Cũng có những trường hợp trẻ đã quen với việc chờ đợi để được tiếp tục ‘’bình thường hóa’’ cuộc chơi, việc phạt time out sẽ không còn chút tác dụng ít ỏi như cha mẹ mong đợi và đứa bé sẽ dễ trở nên ‘’mẫn cảm’’ với hình phạt, càng khó khăn hơn trong việc dạy con ở những lần phạm lỗi tiếp theo.
Vì những lí do như thế mà ‘’TIME IN’’ đã được ưu tiên hơn để giúp cha mẹ và các con cùng nhau giải quyết vấn đề. Phương pháp này luôn nhấn mạnh sự hiện diện – kết nối – giải quyết vấn đề. Thể hiện rằng : ‘’ Bố/ mẹ luôn ở đây để giúp con bình tĩnh và chúng mình cùng giải quyết vấn đề nhé ! ’’
Để ‘’time in’’ hiệu quả, cha mẹ có thể tham khảo các bước sau:
Khi tình huống xảy ra, trước khi giúp con bình tĩnh thì cha mẹ cần tự làm chính mình bình tĩnh trước. Chúng ta có thể nhẩm đếm đến 5 hoặc 10 giây, lựa chọn hít một hơi thật sâu cũng sẽ giúp cha mẹ cảm thấy ổn hơn.
Đưa con đến một chỗ ngồi khác để thay đổi hoạt cảnh, rồi ngồi bên con để hỏi han tìm hiểu nguyên nhân cũng như lí do vì sao con làm điều đó, mục đích để thừa nhận nhu cầu và cảm xúc của con. Để con giãi bày hết nỗi lòng của mình.
Giải thích tại sao việc con làm lại không được chấp nhận. Lúc này con sẽ dễ dàng chấp nhận lời chỉ dẫn của cha mẹ hơn bao giờ hết.
Sau tất cả, mỗi phương pháp sẽ phù hợp trong những hoàn cảnh nhất định, việc của cha mẹ là nên chọn phương pháp giáo dục cho phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất và lâu dài nhất. Không bài trừ và cũng không lạm dụng riêng một phương pháp nào để việc dạy con trở nên khách quan, hơn hết là giúp con hiểu được vấn đề và đi qua khủng hoảng cách bình an, nhẹ nhàng nhất.
Chúc các Cha Mẹ an nhiên cùng con.