top of page

Cách để được con tin tưởng

Bài đăng của thành viên Huyền Đào trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Đâu đó mình từng đọc được một câu cảnh tỉnh:


“Đừng để sau con có chuyện gì thì bố mẹ là người biết chuyện cuối cùng và con nó nói với mình cũng chỉ là thông báo!”

Trong quá trình nuôi dạy con, mình vẫn luôn cố gắng trở thành một người bạn, gây dựng sự tin tưởng với con. Dĩ nhiên, đôi lúc mình cũng chệch ra khỏi đường ray vì sự bận rộn hoặc vô ý, nhưng luôn tự nhắc những điều sau để xây dựng mối quan hệ tin tưởng với con:


1. Giữ lời hứa


Dù lời hứa lớn hay nhỏ thì đã hứa phải luôn giữ lời và thực hiện. Nếu không thể hứa thì sẽ từ chối, không lấp lửng, không “Ừ “ bừa để con hết vòi vĩnh mè nheo.


Ví dụ, khi con hỏi con ăn cơm xong thì được đi chơi nhà bóng hay không. Nếu không đi được thì mình sẽ không hứa suông, còn đã xác định sẽ cho con đi mới đồng ý.


Mình luôn làm gương về việc giữ lời hứa con có thể học theo. Khi bố mẹ không nói suông, con cũng sẽ biết tôn trọng lời nói của mình.


2. Lắng nghe


Cố gắng tập trung nghe con nói, lắng nghe thật sự chứ ko phải nghe chỉ ậm ừ cho có, con sẽ cảm nhận được mình có nghe chú tâm thật không!


Cố gắng nhìn vào mắt con, tập trung nghe, hạ người ngang tầm mắt con, biểu hiện cảm xúc khi con nói, gật gù, ngạc nhiên… Làm như thế, con sẽ hào hứng nói chuyện hơn, và biết mình được quan tâm và lắng nghe thực sự.


3. Đáp ứng nhu cầu cảm xúc


Khi con khóc, nóng giận, sợ hãi, có nhu cầu được bế, bảo vệ, yêu thương… thì mình ôm hoặc bế con. Càng ngày mình càng cảm nhận được sức mạnh của cái ôm với con! Nó giúp trấn an con rất nhanh mà không cần mình phải làm gì nhiều nhặn.


4. Tin tưởng


Vợ chồng mình hay nói với con như thế này mỗi khi con hơi sợ khi làm gì đó: “bố/mẹ tin Mỳ làm được đấy, con giỏi/khéo léo/dũng cảm… mà.” Hoặc khi giao hẹn với con thì nói: “mẹ tin Mỳ giữ lời hứa, như mẹ vẫn làm với con”. Nhưng cũng có lúc con không giữ lời hứa, mình lại nhắc lại việc mình đã giữ lời hứa như nào với con, để con nhớ lại cảm giác dễ chịu vì mẹ giữ đúng lời hứa. Con sẽ hiểu được khi con không giữ lời hứa thì bố mẹ cảm thấy như thế nào.


5. Khen ngợi, khích lệ


Điều này quá quen thuộc và quan trọng rồ. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ tập trung vào quá trình, khen cụ thể tính cách, sự cố gắng hơn là khen chung chung là “giỏi quá”. Ví dụ con cố gắng mở đc nắp hộp kẹo mà phải vừa ấn vừa xoay mới mở được, mình khen: “Mẹ thấy Mỳ vừa cố gắng ấn với xoay khéo lắm mới mở được cái nắp này, ko phải bạn nào nhỏ tuổi cũng có thể làm được!”


Rõ ràng mình quan sát và thấy con cố gắng thật và khen chính xác. Nhờ thế, con sẽ thấy bố mẹ quan tâm và ghi nhận con đúng lúc.


6. Nở nụ cười


Đôi lúc bận rộn, mệt mỏi làm mình quên đi điều này, nhưng mình nhớ ngày còn bé mình chỉ thích đi học về nhà được gặp mẹ vì mẹ luôn đón mình bằng nụ cười thật tươi. Ai cũng muốn sống trong sự vui vẻ thay vì không khí xám xịt u ám của phàn nàn, cáu gắt quát nạt chỉ trích.


7. Thường xuyên nói yêu thương, cảm ơn và xin lỗi


Những lời nói chân thành này sẽ giúp con tin tưởng mình hơn, và khi mình coi nó nhẹ nhàng, dễ nói ra thì con cũng sẽ nói nó thường xuyên, ko ngượng ngùng như phép lịch sự tối thiểu. Mình vẫn hay cảm ơn con từ những hành động nhỏ nhặt nhất, nhờ thế con cũng dần tạo thói quen ghi nhận sự giúp đỡ của người khác.


Những điều trên không mất nhiều thời gian để thực hiện, mà chỉ cần một chút chú tâm của bạn khi tương tác với con hằng ngày. Hãy dùng cả trái tim mình để xây dựng một mối quan hệ tin tưởng với con - vài năm nữa bạn sẽ thấy điều đó hữu ích đến thế nào!


20 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page