LÀM SAO ĐỂ HIỂU TÍNH KHÍ CỦA MỘT EM BÉ?
Bài đăng của thành viên Thuy Linh Tran trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Mình là một người làm trong lĩnh vực giáo dục mầm non đồng thời là mẹ của 3 bạn nhỏ. Các con mình tuy sinh ra trong cùng một nhà, có điều kiện sống giống nhau, nhưng mỗi bạn lại có những tính khí khác nhau. Vì vậy mà mình phải khéo léo lựa chọn trong cách tương tác với từng bạn.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cách quan sát để nhận biết tính khí của từng em bé và lựa chọn kiểu ứng xử phù hợp để giúp con học hỏi mà hạn chế được cảm xúc tiêu cực.
Ông bà ta thường nói "Cha mẹ sinh con trời sinh tính" quả không sai. Mỗi một em bé khi sinh ra có một tính khí khác nhau. Có những tính khí là bẩm sinh, và có những tính khí được hình thành trong quá trình nuôi nấng. Việc quan sát con để hiểu con, sẽ giúp bố mẹ có cách tương tác phù hợp. Hình ảnh dưới đây là 9 tiêu chí cơ bản để quan sát được tính khí của 1 em bé:



Vậy sau khi đã nhận biết được con mình thuộc kiểu tính khí như thế nào thì bạn cần lựa chọn cách ứng xử ra sao? Hãy tham khảo một số gợi ý sau:
1. Đối với trẻ có mức độ vận động cao: Bố mẹ có thể bố trí những đồ chơi trong nhà tạo điều kiện cho con vận động như bộ leo trèo bằng xốp nhỏ, thường xuyên cho con ra chơi bên ngoài để con được giải toả năng lượng. Như vậy, khi được giải tỏa năng lượng, con mới có thể tập trung những hoạt động tĩnh khác như học bài, các hoạt động vẽ tranh…
2. Đối với trẻ có nhịp điệu sinh hoạt đều đặn: Cố gắng giữ cho con nhịp sinh hoạt, hạn chế thay đổi, khiến con bị cáu kỉnh, khó chịu, ức chế trong người.
3. Mức độ bị đánh lạc hướng: Đối với trẻ dễ bị đánh lạc hướng, hãy tập cho con các hoạt động cần sự tập trung nhiều hơn, ví dụ như xây nhà lego..và đặt ra cho con một mục tiêu cuối cùng, để con tập trung vào việc đó.
4. Đối với các bạn thận trọng, có độ dạn dĩ thấp hoặc có khả năng thích nghi thấp: Hạn chế thúc giục con, để cho con có thời gian làm quen với điều mới/người nào đó mới/ thói quen mới. Đặt kế hoạch cho con khi có những thay đổi lớn để con có thời gian thích nghi. Hạn chế nhận xét con một cách tiêu cực như “khó tính, nhút nhát”,…
5. Với những bạn có mức độ thể hiện cảm xúc gay gắt: Hạn chế đưa con vào những môi trường kích thích cảm xúc quá mức, khiến cho con có những phản ứng tiêu cực, gay gắt. Kiên nhẫn với con khi con có những thái độ tiêu cực với sự thay đổi. Ví dụ khi có bạn lấy đồ của con, con sẽ thường gắt gỏng. Lúc này, cha mẹ cần kiên nhẫn hỏi han, lắng nghe và hiểu cảm xúc của con rồi từ từ giải thích để cảm xúc dần qua đi và bớt gay gắt hơn.
Tương tự với những đặc điểm tính khí khác, bố mẹ có thể quan sát con ở những tháng năm đầu đời (dưới 6 tuổi) để hiểu con, thông cảm với con và điều chỉnh sự tương tác cho phù hợp với con hơn.