top of page

Tôi từ chối nuôi dạy nên một cô bé thân thiện



Tôi đã từng là một cô bé không thân thiện, và tôi chưa bao giờ hối hận về điều đó.


Bởi tôi luôn tin rằng Thân Thiện không bao giờ đồng nghĩa với Lịch Sự hay Tử Tế.


Lịch sự là khi chúng ta cư xử với mong muốn làm hài lòng cả hai bên, tức là người đối diện và chính chúng ta. Việc cư xử lịch thiệp cũng đến từ sự tôn trọng bản thân mình và người đối diện.


Thân thiện vốn dĩ không xấu nếu đó là tính cách tự nhiên của một người. Thân thiện chỉ không tốt khi chúng ta coi đó là một tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh của người khác. Thân thiện rất tốt nếu bạn cảm thấy hạnh phúc khi làm điều đó. Tuy nhiên, thân thiện sẽ mất đi ý nghĩa tốt đẹp nếu ai đó cố làm thế vì lợi ích hay để che giấu nỗi sợ (ví dụ như nỗi sợ bị bỏ rơi, bị đánh giá).


Thân thiện chắc chắn không đi liền với sự tử tế. Câu nói “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm" chính là đúc kết không thể chính xác hơn.


 

Ngày còn nhỏ, tôi thường được trả về nhà sau mỗi buổi học bằng những lời nhận xét như bướng, hay cãi, hay hỏi vặn vẹo, không hòa đồng với bạn bè trong lớp. Ngày đó tôi luôn tự hỏi tại sao việc “hoà đồng" lại quan trọng đến vậy khi rõ ràng tôi thoải mái với việc chơi một mình hay chỉ chơi cùng nhóm nhỏ. Tôi đã từng nghi ngờ năng lực xã hội của mình khi tôi không thể dĩ hoà vi quý với những người xung quanh và chiếm lấy thiện cảm của họ. Tôi đã từng cố gắng, nhưng càng cố gắng càng thấy khó chịu và kiệt quệ. Thật may, tôi lớn lên như một mớ cỏ dại nên chẳng ai cố nhồi vào đầu tôi rằng phải tiếp tục cố gắng. Trong cái dở lại có cái hay, chán quá thì không cố nữa, thế thôi. Tôi trở lại là chính mình và tôi thoải mái với điều đó.



Tính cách này đã mang đến cho tôi không ít rắc rối. Nhưng nếu ai đó hỏi tôi có hối hận không thì câu trả lời luôn chỉ có một: Tôi không bao giờ hối hận. Nếu cho tôi quay ngược thời gian bao nhiêu lần, tôi cũng sẽ không lựa chọn làm khác đi.



Vì không thân thiện, tôi không có nhiều bạn. Bù lại, tôi có một số ít những người bạn chất lượng mà khi ở bên họ, tôi được là chính mình, không phải giả lả thảo mai, cười cười nói nói chỉ vì sợ bị bỏ rơi hay lạc lõng. Vì không thảo mai, tôi vì lo mất lòng người khác mà không dám nói ra mong muốn của mình. Tôi cứ là tôi thôi. Ai có vấn đề với tôi thì đó là vấn đề của họ. Vì không sợ mất lòng người khác nên tôi không gặp vấn đề trong việc xác định ranh giới cá nhân hay phải hoang mang khi ai đó vi phạm ranh giới. Tôi biết rõ các ranh giới của mình và cách để bảo vệ nó. Ai có vấn đề với các ranh giới của tôi thì đó là vấn đề của họ. Vì có ranh giới rõ ràng nên tôi không tốn quá nhiều năng lượng để thoát khỏi những cùm gông tư tưởng về đức hạnh của phụ nữ, bởi những cái gông đó vốn chưa bao giờ tròng được vào cổ tôi. Tôi không cần cố cười khi lòng đang tan nát, không cần tỏ ra dịu dàng và ngọt ngào để nhận được những đánh giá tốt đẹp, không cần sống trái bản thân với hy vọng giữ chân người khác. Ai có vấn đề với tư tưởng của tôi thì đó là vấn đề của họ.


Năng lượng của mỗi chúng ta đều có hạn. Đừng phung phí nó cho những điều không xứng đáng.



Tôi đã trưởng thành như thế, vì vậy tôi từ chối nuôi dạy nên một cô bé thân thiện!


Tôi không gây áp lực để con phải gần gũi ai đó nếu con không thoải mái hay chưa quen, ngay cả khi đó có là ông bà hay họ hàng ruột thịt. Tôi tin rằng trẻ con đủ thông minh và nhạy cảm để chọn người mà nó muốn gần gũi.


Tôi không đánh giá một đứa trẻ là hư hay bố mẹ chúng không biết dạy chỉ vì chúng không chào tôi. Tôi luôn chủ động chào chúng trước vì tôi tôn trọng và mong được kết nối với chúng. Chào là lựa chọn cá nhân và nó chỉ có ý nghĩa khi người chào tình nguyện làm điều đó. Tôi chào là lựa chọn của tôi, chào lại hay không là lựa chọn của chúng. Vì vậy, ngoài việc giải thích cho con về ý nghĩa của lời chào và làm gương, tôi trao cho con toàn bộ quyền quyết định có chào ai đó hay không. Người thật sự yêu và hiểu con sẽ không vì thế mà xa lánh hay chụp mũ con.


Để tôi kể cho bạn nghe một sai lầm mà cả hai vợ chồng tôi từng mắc phải.


Cả hai chúng tôi đều đã sống ở UK trên 10 năm và không hề nhận ra rằng dù có quen thuộc với lối sống và văn hoá đến thế nào, nỗi sợ mang tên “không thể hòa nhập" từ ngày đầu mới sang vẫn luôn cắm rễ trong lòng chúng tôi dù bây giờ không còn ảnh hưởng gì lớn. Chúng tôi chỉ nhận ra nó vẫn còn hiện hữu sau một lần đưa con đến sinh nhật bạn. Khi con tôi đến, các bạn chạy ra đón nhưng nó chỉ bám chặt lấy chân bố và mất một lúc lâu mới chơi với các bạn dù đó toàn là bạn học cùng lớp. Một lát sau, pizza đến. Bọn trẻ xúm vào ngồi một đầu bàn bên này, một mình con tôi chạy sang đầu bàn bên kia chỉ vì ở đó có cái ghế màu vàng. Một mình nó ngồi ăn pizza một góc, trên chiếc ghế màu vàng nó đã chọn.


Chốc chốc chồng tôi lại hỏi: “Con có muốn sang bên kia ngồi với các bạn không” nhưng nó đều trả lời: “Không, con thích ngồi cái ghế màu vàng”. Thật may là chồng tôi cũng chỉ dừng ở đó thôi.



Con tôi không có vấn đề gì trong việc hòa nhập cả. Thậm chí nó còn tự tin đến mức không cần ngồi chung với các bạn để được làm thân. Người có vấn đề là chúng tôi.


Từ đó, ngoài hỏi thăm để nắm bắt tình hình, tôi không can thiệp vào chuyện ở lớp con chơi với ai, có nhiều bạn hay không. Nếu con có vấn đề với bạn nào đó mà nghỉ chơi nhau, tôi cũng không cố bày cho con cách giải quyết nếu con không nhờ trợ giúp. Việc cố giúp con hàn gắn với bạn trong khi con không có nhu cầu, có thể vô tình khiến con nghi ngờ quyết định của bản thân và hình thành tâm lý sợ bị bỏ rơi trong các mối quan hệ sau này, dù đó là mối quan hệ con không hề thoải mái. Tôi cũng không cố bày cho con cách để gây ấn tượng hay lấy lòng người khác. Con cứ là con thôi. Những người cùng tần số sẽ theo đó mà đến.


Thân thiện chỉ nên là tính cách. Lịch sự và tử tế mới là lựa chọn.

Alicia Vu (Quỳnh)

136 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page