top of page

Tôi từng bị trầm cảm sau sinh.

Chồng tôi - một người đàn ông không nề hà việc gì, chưa từng nói với vợ một lời gây tổn thương.


Bố mẹ chồng tôi - những người không xét nét, không hà khắc, sống tình cảm và bao dung với con cháu.


Bố mẹ tôi - nhiều tiền, thỉnh thoảng hứng lên cho con cái rất nhiều tiền, chỉ là ít khi có mặt vì bận kiếm tiền.


Chị em ruột của tôi - hài hước, vui vẻ, là chỗ dựa tinh thần tốt.


Nhìn sơ qua, tôi có tất cả mọi thứ. Thế mà tôi vẫn trầm cảm.



Tôi vẫn nhớ những ngày mới sinh, tôi bị ám ảnh bởi suy nghĩ không được ỷ lại vào ông bà nội, vì khi ông bà phải về Việt Nam thì tôi không biết làm thế nào. Thế là bất chấp vừa mổ tung bụng để đẻ con rồi khâu lại, máu và sản dịch còn chưa chảy hết, tôi vẫn ôm khư khư đứa con cả ngày lẫn đêm mà không chịu nhả ra. Việc đó khiến tôi kiệt sức! Nhưng chỉ cần nghĩ đến chuyện dám rời con ra để ngủ một giấc ngon, tôi lại bị cảm giác tồi tệ bủa vây, như thể tôi là người mẹ ích kỷ.


Tôi vẫn nhớ những buổi chiều tối nằm một mình cho con bú trên phòng, trong ánh đèn lờ mờ, tôi cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Có rất nhiều suy nghĩ ngang dọc mà tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu, nói ra như thế nào. Tôi cảm giác nếu không phải vì là mẹ đứa bé này, tôi chẳng còn giá trị gì hết. Tôi tưởng tượng ra ở dưới nhà, chồng và bố mẹ chồng vui vẻ nói cười, ăn cơm, uống nước, chẳng ai bận tâm đến tôi thế nào, đứa trẻ kia vừa nghiến răng cắn tôi vừa đạp vào vết mổ của tôi đau đớn ra sao. Dù lý trí tôi biết rõ họ không phải những người như vậy.


Cùng thời điểm đó, mẹ tôi cãi nhau với chị gái. Cứ vài ba ngày bà lại gọi điện cho tôi kể lể và than vãn cả 1-2 tiếng đồng hồ, bắt tôi phải nói với chị gái ra sao, lên án thế nào, nhưng tuyệt nhiên không một câu hỏi tôi có ổn không. Mẹ tôi cứ kể lể như thế và chỉ chịu cúp máy khi con tôi hết giấc ngủ và khóc ầm lên. Tất nhiên, như thế đồng nghĩa với việc tôi cũng đã không được ngủ. Một lần, tôi không chịu được nữa nên đã nói: “Chị ấy 40 tuổi đến nơi rồi. Chuyện chị ấy cãi nhau với mẹ cũng đâu phải lỗi của con, tại sao ngày nào mẹ cũng đổ lên đầu con? Con còn đang muốn nhảy sông đây mẹ biết không!”


Đến bây giờ tôi vẫn chưa từng có cơ hội kể với mẹ vì sao lúc ấy tôi định nhảy sông, và cả đời này tôi cũng không có ý định kể.



Suốt một khoảng thời gian dài sau sinh, trong đầu tôi luôn có ý định bỏ chồng dù chồng tôi chẳng gây ra lỗi lầm gì lớn, ngược lại còn vì tôi mà làm rất nhiều chuyện. Tôi cảm thấy quá tải. Tôi không còn sức vun vén cho cuộc hôn nhân này hay bất kỳ mối quan hệ nào khác nữa. Ngay cả việc tự mình đứng vững mà không phải giả vờ với tôi cũng rất khó khăn. Tôi muốn được giải thoát.


Đấy là tôi chẳng phải chịu áp lực nào về kinh tế, nhà cửa đàng hoàng, có ông bà nội phụ giúp nhà cửa lúc mới sinh con, chồng được chế độ nghỉ vợ đẻ 2 tháng liền. Thế mà tôi vẫn từng muốn tan ra rồi biến mất khỏi cuộc đời như chưa hề tồn tại.


Tôi đã may mắn bước qua được, nhưng không phải ai cũng may mắn thế.


Trầm cảm sau sinh thật sự rất đáng sợ. Không một người phụ nữ nào tự nguyện chọn điều đó cả. Xin đừng nói những lời cay độc như:


- “Trầm cảm bây giờ là trend à? Ngày xưa ai cũng đẻ có thấy trầm cảm đâu mà giờ đua nhau trầm cảm thế”.

- “Ai cũng đẻ chứ mình cô đẻ đâu mà phải trầm cảm”.

- “Ngày xưa tao đẻ suốt có trầm cảm đâu mà giờ chúng mày lắm chuyện thế”.


Ngày xưa có chứ, chỉ là không có Facebook nên không ai biết, hoặc quá ít kiến thức để biết là mình trầm cảm thôi. Thống kê cho thấy 65% phụ nữ Châu Á rơi vào trầm cảm sau sinh (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3939973/). Con số thực có thể cao hơn vì rất nhiều người không biết mình bị trầm cảm và không được chẩn đoán bệnh.


Nhà có phụ nữ vừa sinh con, đừng hỏi hoặc đừng khuyên:


- Có nhiều sữa không? Em bé bú mẹ ăn ăn sữa ngoài?

- Em bé được mấy cân?

- Em bé có ngoan không?

- Ơ tại sao em bé này không abc như em bé nhà X nhỉ?

- Cái A em chị cũng vừa đẻ xong, con nó to đùng mà mẹ đã lại dáng ngay rồi đấy!

- Phải làm này làm kia để em bé không quấy.

- Đừng làm này làm kia nếu không sẽ…

- Tại mẹ không biết làm này làm kia nên…


Thay vào đó, hãy hỏi:


- Em có nghỉ ngơi được không? Sức khoẻ em thế nào rồi?

- Em có cần gì ở ngoài không chị rẽ qua mua giùm?

- Em nghỉ một chút đi, chị bế em bé cho.

- Em cần chị giúp em làm gì không? Có thèm ăn gì không chị mua?

- Em giỏi quá! Em vất vả nhiều rồi. Nghỉ ngơi cho lại sức nhé.


Mỗi người chỉ cần tinh ý một chút thôi, chắc chắn sản phụ sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều. Những chuyện đáng tiếc và đau lòng cũng vì thế mà bớt đi.

_________


Alicia Vu (Quỳnh)


11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page