VÌ MẸ KHÔNG MUỐN AI PHẢI BUỒN THÊM!
Bài đăng của thành viên Le Ngan Ha trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Sáng chủ nhật về quê, sân gạch rộng rãi, ông anh Mì (7 tuổi) nhanh chóng xí được quả bóng đá ở đâu, đá viu viu. Ông em Sữa (2,5 tuổi - cũng là một fan bóng đá) thấy thế ré lên: “CỦA SỮA MÀAAA!” Rồi đòi bằng được quả bóng. Tất nhiên ông anh không cho, dễ gì! Tiếng khóc đòi bóng của ông ẻm càng lúc càng dữ dội. Bình thường ở nhà, mẹ kệ cho 2 anh em tự giải quyết đấy. Thế nhưng ở quê, ngoài 2 vai chính thì lực lượng “vai quần chúng” lại quá đông và hung hãn.
Đầu tiên là bà ngoại: “Kìa vào bảo Mì đưa bóng cho em đi!” Mẹ: “Bà cứ để cho chúng nó tự giải quyết đi!”
Nhưng âm lượng của tiếng khóc không thể khiến bà nhắm mắt làm ngơ.
Nhân vật quần chúng thứ 2 cũng bắt đầu lên tiếng. Cụ nội dù không khoẻ cũng cố nói to: “Mì nhường em đi con, em khóc tội nghiệp nó!”
Tất nhiên lời nói của mẹ và cụ như “kiến cắm inox”, ông anh vẫn không để quả bóng lọt khỏi chân tí nào. Ông ẻm vẫn thảm thiết đòi bóng. Cụ và bà ngoại quyết định xông vào người giữ Mì người lấy bóng cho em. Nhưng đời nào làm được với ông anh 7 tuổi 35kg 1m35, sức đã khá dài, vai đã khá rộng cộng thêm tinh thần đang vô cùng “bùng cháy” vì dường như cả thế giới đang chống lại mình.
Cảm thấy tình hình khá ban căng, mẹ đành “ra tay”. Mẹ đến bên ẻm Sữa bảo, Sữa ơi bình tĩnh nghe mẹ nói này, con có muốn đi cho gà ăn không. Mẹ lấy gạo con đem cho gà ăn nhé. Ông ẻm nghe thấy thế thì xuôi xuôi, và theo mẹ đi cho gà ăn ngay, chẳng thèm đoái hoài đến quả bóng nữa! Đi cho gà ăn rất vui. Ông anh thấy thế chạy đến bảo Sữa ơi, cho anh cho gà ăn cùng với nhé! Lát hai anh em mình cùng chơi bóng nhé!
Thế là huề cả làng Hai ae sau khi cho gà ăn còn đá bóng với nhau mãi. ======
Chiều, hai mẹ con mình tâm sự, mình thuật lại sự việc, hỏi bạn lớn, con biết vì sao mẹ lại làm thế, thay vì cùng bà và cụ “uy hiếp” con để lấy quả bóng cho em không.
Con nói: “VÌ MẸ KHÔNG MUỐN AI PHẢI BUỒN THÊM.”
Trúng phóc!
“Tổn thương con đầu lòng” là một điều dạo gần đây mình hay nghĩ tới. Bản thân cũng là chị cả trong gia đình, được bố mẹ vô cùng yêu thương, nhưng cũng không tránh khỏi những khoảnh khắc bị “bắt phải nhường em”, dù mình cũng vô cùng yêu em gái.
Thế là khi làm mẹ, mình có cơ hội được soi chiếu lại những tổn thương bên trong, luôn cố gắng giảm thiểu những điều đó cho bạn lớn khi mẹ có em bé.
Như hôm nay, mình đã chọn “đánh lạc hướng” bạn bé để bạn lớn không bị “đổ thêm dầu vào lửa”. Dù mình hoàn toàn có thể chỉ dùng 1 câu nói thôi, là bạn lớn có thể nhường em bóng ngay lập tức. Nhưng chắc gì bạn bé có được bóng mà đã vui? Lại còn gây thêm tổn thương cho bạn lớn, khi tất cả cụ - bà - mẹ đều nỗ lực dỗ dành em bé bằng 1 quả bóng?
Mình đã chọn đứng về phía cảm xúc của con lớn. Bởi mình biết, con bản chất là một người anh rất yêu thương em, nhưng chỉ vì tính “hiếu thắng” nhất thời mà không muốn nhường em quả bóng.
Không trách bà, trách cụ, vì đúng là người “yếu thế” hơn, non nớt hơn (tức em bé Sữa) thì sẽ luôn được bảo vệ, nâng niu. Nhưng không chỉ dừng ở câu chuyện này, rất nhiều những quan điểm giáo dục ngày xưa của các bà các mẹ, đã thực sự không thể tiếp tục ở thế hệ alpha này nữa.
- Không thể cứ anh là PHẢI NHƯỜNG em. Bởi sự nhường nhịn chia sẻ sẽ diễn ra thật tự nhiên nếu bố mẹ bồi đắp tình yêu thương cho 2 anh em mỗi ngày. - Không thể cứ em bé ré lên khóc, là mọi thế lực sẽ xuất hiện để ứng cứu. Em bé cũng cần học cách “xin phép” và “thoả hiệp” dần dần. - Không thể cứ làm anh là PHẢI CHỊU THIỆT THÒI. Bởi nếu quen với “chịu thiệt thòi” từ bé, ta làm sao mong đợi con lớn trưởng thành tự tin - tự lập và biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân?
Hôm nay cũng phải cảm ơn “tuyệt chiêu” “đánh lạc hướng” của 1 parent coach mà mình thường xuyên follow. Chiêu này luôn có ích với các bạn độ tuổi 1-3. Và lời khuyên (đã từng đọc rất nhiều, đọc khắp mọi nơi) rằng khi bạn lớn và bạn nhỏ (dưới 3 tuổi) xảy ra tranh chấp, hãy ưu tiên bạn lớn. Khả năng hoàn thiện bản thân của trẻ em là vô hạn, khi con biết tranh giành với em là sai nhưng bố mẹ “trao quyền” cho con tự ngẫm, chắc chắn con sẽ dần điều chỉnh hành vi trở nên phù hợp hơn.