top of page

Tổn thương khi mẹ sinh em bé: Làm thế nào để con lớn không cảm thấy thiệt thòi?

Các chuyên gia tâm lý khẳng định rằng, việc không chấp nhận hoặc khó chấp nhận sự hiện diện của em trong gia đình xuất phát từ cảm giác bất an, lo sợ rằng mình sẽ không được yêu thương như trước.



Ngại sinh vì sợ tổn thương con đầu lòng


Chị Kim Phượng - giáo viên, sinh được con gái đầu lòng đã 15 tuổi nhưng hai vợ chồng kiên quyết không sinh thêm con. Chị bảo: "Tội bé, để vậy cho con hạnh phúc."


Cùng nỗi niềm đó, Mai - bà mẹ trẻ có con hơn hai tuổi tâm sự: "Em sẽ không sinh thêm em bé đâu, hoặc khi nào con trai muốn có thêm em lúc đó em mới sinh thêm."


Nhưng không phải gia đình nào cũng đồng ý dừng lại ở một con. Ba mẹ, ông bà muốn đủ nếp đủ tẻ hoặc muốn có thêm con cho vui cửa vui nhà nên các cặp vợ chồng sẵn sàng sinh thêm con thứ hai. Và điều khiến cho những người làm cha mẹ băn khoăn khi sinh thêm bé thứ hai đó là sự tổn thương về mặt cảm xúc của con lớn. Con ghen tỵ hoặc trở nên ương bướng, quấy rối vô lý hoặc có những trẻ âm thầm ghét em, coi em là kẻ khiến cho mình bị tổn thương, mất mát.


Với những gia đình độ tuổi của con cách xa nhau, khi con lớn đã hiểu vấn đề thì tổn thương này có thể ít hơn. Nhưng với gia đình sinh con gần nhau, con lớn cách con bé chỉ hai, ba tuổi thì sự tổn thương trong tình cảm của con lớn dễ xảy ra.


Chị Quyên, nhân viên văn phòng ở Sài Gòn cho hay, chị có bé trai lớn gần 4 tuổi và vừa sinh bé thứ hai được 6 tháng. Những tháng đầu em bé chào đời chị cảm thấy vô cùng bối rối vì con trai lớn khóc cả giờ đồng hồ khi thấy mẹ bế em hoặc cho em bú. Chị Quyên sinh khi Sài Gòn bùng dịch, chị đưa hai con về quê sống cùng với ông bà ngoại. Ba không có ở bên cạnh để an ủi con lại càng tủi thân hơn.


Chị Tuyết ở Đà Nẵng là mẹ của một em bé 6 tuổi và 4 tuổi nhớ lại những ngày đầu khi sinh con thứ hai: “Đó là quãng thời gian làm mẹ khó khăn nhất. Đêm hai đứa cùng dậy và gào khóc khiến chị muốn phát điên lên. Đứa bé khóc, đứa lớn đòi mẹ mà không chấp nhận bất kỳ ai dỗ, nhất định chỉ đòi mẹ thôi. Phải mất một thời gian khá lâu thì con mới thích nghi với sự hiện diện của em nhỏ.”


Kinh nghiệm của người làm mẹ


Theo kinh nghiệm của chị Lan ở Đà Nẵng chia sẻ: Ngay thời gian có bầu vợ chồng chị đã nói chuyện rất nhiều về sự xuất hiện của em, cho con xem hình siêu âm và kể về cuộc sống của em trong bụng mẹ. Trước thời gian đi sinh, chị trò chuyện với con về cách mà các em bé được sinh ra như thế nào, vì sao em lại cần sự giúp đỡ của mẹ. Những ngày đi sinh chị vẽ hẳn một thời gian biểu bằng tranh mô tả sinh hoạt của mẹ ở bệnh viện và con ở nhà sẽ như thế nào. Kết quả là thằng bé đã rất dễ chịu trong những ngày xa mẹ. Khi em ra đời, những lúc rảnh chị dành thời gian trò chuyện và chơi với con để giảm bớt cảm giác hụt hẫng.


Con khóc, chị Lan nhờ ông bà bế bé nhỏ và vỗ về trò chuyện với con. Chị cũng không quên dặn ông bà đừng ai trêu chọc thằng bé về việc đó cả. Thằng bé buồn vì nghĩ rằng phải chia sẻ mẹ và sợ mẹ không yêu con như trước. Ban ngày chị nhờ người quen dẫn bé ra ngoài vận động như đi bộ, đạp xe, đá bóng, chơi với anh chị hàng xóm...Dần dần con cũng yêu thương em và bớt buồn hơn.


Các chuyên gia tâm lý khẳng định rằng, việc không chấp nhận sự hiện diện của em xuất phát từ cảm giác bất an, lo sợ rằng trẻ sẽ không được yêu thương như trước. Những ương bướng trong giai đoạn này cũng nảy sinh từ việc con nỗ lực để gây sự chú ý từ mẹ.


Giải pháp cần thiết


Một trong những giải pháp cần thiết cho giai đoạn này là giữ kết nối với con lớn. Sự kết nối mạnh mẽ giúp con cảm thấy an toàn và dễ chấp nhận sự hiện diện của em hơn. Tuy nhiên những bà mẹ mới sinh thường bận rộn vì phải nghỉ ngơi để phục hồi cơ thể, vừa phải chăm bé sơ sinh. Việc tăng cường thời gian dành cho bé đầu dường như khó thực hiện.


Tuy nhiên, trong quỹ thời gian eo hẹp của mình mẹ hãy dành một tiếng đồng hồ để kết nối với con. Một tiếng đồng hồ này hãy dành toàn bộ sự chú ý cho con, chăm chú nghe con nói và chơi cùng con như một người bạn. Như vậy con sẽ cảm thấy rằng tình yêu mà mẹ dành cho mình không hề thay đổi. Con sẽ hạnh phúc và mạnh mẽ, tự tin hơn.


Giải pháp thứ hai mẹ có thể áp dụng đó là hướng con đến những hoạt động ngoài trời. Chơi giữa thiên nhiên giúp con dễ dàng cân bằng cảm xúc của mình. Với trẻ con thiên nhiên là kho báu. Chúng tìm được nguồn cảm hứng vô tận nếu được phép hòa mình vào thiên nhiên Những trò chơi đơn giản như xúc cát, chạy chân trần trên cỏ, nghịch nước, nhặt lá cây đều mang đến những niềm vui lành mạnh cho trẻ. Hoặc những trò chơi vận động như chạy nhảy, đạp xe, đá bóng… cũng khiến trẻ giải tỏa căng thẳng. Vận động ngoài trời giúp cơ thể tiết ra các hoocmon hạnh phúc khiến tâm trạng trẻ dễ phấn chấn hơn. Đồng thời những hoạt động này hướng con đến niềm vui khác ngoài mẹ.


Thừa nhận cảm xúc, giúp con gọi tên cảm xúc và kiên nhẫn là một giải pháp tuyệt vời nhưng ít được bố mẹ quan tâm.

Nhiều bố mẹ hoặc ông bà có phản ứng tiêu cực trước những ương bướng của con như chế giễu, chỉ trích: “Anh/chị hai rồi thì phải thương em chứ! Anh/chị hai sao lại không biết thương em, không biết nhường em? Hư quá”... Những điều đó không giúp cải thiện tình hình của trẻ mà còn khiến cho mọi thứ tệ hơn. Phản ứng đó khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, tấn công. Tình trạng xảy ra thường xuyên trẻ sẽ nảy sinh sự đố kỵ, ganh ghét với em.


Cách làm đúng mỗi khi con ương bướng hay khóc lóc là hãy ngồi lại và chạm vào người con, sau đó hãy giúp con gọi tên cảm xúc của mình: “Có phải con thấy mẹ bế em, con sợ là mẹ yêu em mà không yêu con nên con buồn đúng không?” Khi chạm tay vào người con nghĩa là mẹ đang kết nối với con, “một cái chạm tay có tác dụng hơn vạn câu nói”. Khi gọi tên cảm xúc của con, con sẽ có cảm giác được thấu hiểu, chia sẻ và hiểu được chính mình - điều quan trọng để phát triển EQ (trí tuệ cảm xúc) ở trẻ.


Trẻ còn nhỏ, việc bỗng dưng mẹ có “người yêu mới” một thử thách khó vì vậy dù phương pháp hay cách làm nào cũng cần sự kiên nhẫn, yêu thương và thấu hiểu của người lớn. Khi được thấu hiểu, được chia sẻ trẻ sẽ cảm thấy được an toàn vì vậy sẽ mạnh mẽ, tự tin yêu thương người khác.


Bên cạnh đó bố mẹ cần làm giải thích cho trẻ về việc vì sao em bé cần được giúp đỡ. Khi trẻ nhận ra em là cá thể yếu đuối và vì sao em cần mẹ, con sẽ cảm thấy cần bao dung, yêu thương em hơn. Tăng cơ hội cho con tương tác với em, dần dần tình cảm ruột thịt sẽ được đánh thức trong trái tim của con.


Khi cảm nhận được tình yêu, sự chia sẻ của mẹ và gia đình, khi tình cảm ruột thịt được đánh thức, con sẽ bước lên vị thế mới để nhường chỗ cho em trong vòng tay của mẹ.


Bài viết đăng lần đầu tại báo Phụ Nữ


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page