Dạy con tôn trọng không gian riêng của người khác
Bài đăng của thành viên Nga Mạc trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Trẻ còn nhỏ thường hay có tính tò mò, đặc biệt là ở lứa tuổi mẫu giáo. Các bé thường hay nghĩ ra rất nhiều cách để biến mọi thứ thành đồ chơi từ đồ đạc trong nhà. Không chỉ với đồ đạc của gia đình, mà khi đến với không gian khác, trẻ cũng có thói quen này. Nếu cha mẹ ở đó thì tất nhiên sẽ nhắc nhở con. Tuy nhiên, nếu vô tình không có ai nhắc nhở thì trẻ sẽ tự động lấy đồ đạc ra ngắm nghía, sờ nắn thậm chí vô ý làm hỏng.
Khi con còn nhỏ, việc này thường bị bỏ qua, nhưng đến khi lớn mà vẫn không chỉnh sửa thì sẽ thành thói quen xấu, khiến người khác vô cùng khó chịu. Đó là hành động xâm phạm không gian riêng tư, thậm chí trong một số tình huống còn trở thành hành động vi phạm pháp luật, gây rắc rối cho bản thân và những người xung quanh.
Vậy làm thế nào để trẻ tự ý thức tôn trọng không gian riêng tư của người khác ngay từ khi còn nhỏ? Sau đây là 3 lưu ý dành cho cha mẹ để xây dựng cho con thói quen tôn trọng không gian riêng tư của người khác.
1. Tạo dựng không gian riêng của trẻ
Hãy xây dựng không gian riêng tư cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Không gian này bao gồm nơi cất giữ những đồ đạc thuộc sở hữu và để phục vụ cho các hoạt động của bé.
Những đồ đạc này cần được phân chia khu vực tách bạch khỏi đồ đạc của cha mẹ hoặc các anh chị em khác. Ví dụ như quần áo, sách, đồ chơi. Lý tưởng là có phòng riêng để cất giữ riêng biệt, nhưng nếu không có điều kiện hãy đặt giới hạn khu vực cho từng người.
Việc phân chia khu vực rõ ràng khiến các bé ý thức về đồ đạc cá nhân và sự riêng tư từ sớm. Lý tưởng nhất là xây dựng không gian riêng từ trước khi chào đời và ba mẹ duy trì sự ổn định cho từng không gian để xây dựng nề nếp, quy tắc.
2. Cho trẻ tự quản lý đồ đạc
Việc học cách tự quản lý đồ đạc cần được hướng dẫn sớm hơn rất nhiều so với ba mẹ nghĩ. Hướng dẫn ở đây là cho trẻ nhìn thấy hoạt động của cha mẹ hàng ngày, đồ đạc quy định cụ thể ở đâu một cách ổn định.
Trẻ em dù ở độ tuổi nào thì khi thấy một thứ gì đó mới mẻ sẽ đều tò mò khám phá. Còn khi mọi thứ quen thuộc, chúng sẽ bỏ qua và hành động theo nề nếp sẵn có.
Ở độ tuổi 0-1 tuổi: các bé sẽ học bằng cách quan sát các quy định và quy tắc trong gia đình. Ba mẹ chỉ cần thành thục nó, việc xây dựng quy tắc cho con sẽ rất dễ dàng.
Ở độ tuổi từ 1-3 tuổi: các bé sẽ học nề nếp qua hoạt động thường ngày, cha mẹ sẽ cần chỉ cho con thấy các quy định bằng hình ảnh, khuôn mẫu cụ thể: cái gì, của ai, và nằm ở đâu.
Chỉ dẫn nhiều lần, bé sẽ trở nên quen thuộc các quy tắc. Việc chỉ dẫn này cần ba mẹ kiên trì, nếu trẻ nhanh thì chỉ cần 3 - 6 tháng, còn với trẻ chậm ghi nhớ sẽ cần 6 tháng đến 1 năm.
Đây là khoảng thời gian lý tưởng để hướng dẫn quy tắc, nếu bỏ qua giai đoạn này thì từ sau 3 tuổi bạn có nhắc nhở bé cũng bỏ lơ vì có nhiều thứ khác thích thú và thu hút, còn sau 12 tuổi có thể sẽ có phản ứng làm ngược lại khi bị nhắc nhở quá nhiều.
3. Cho trẻ biết quy định trong gia đình
Các quy định cất giữ đồ đạc cá nhân và đồ dùng chung trong gia đình cần duy trì ổn định, trật tự để trẻ học cách tôn trọng không gian riêng tư ngay từ trong gia đình.
Để duy trì trật tự thì đồ đạc nên có 1 nơi cất giữ duy nhất, đặc biệt là đồ đạc cá nhân. Vậy nên có 3 việc bạn không nên làm để tránh làm xáo trộn nơi cất giữ, đó là:
Cất giữ quần áo trái mùa, mỗi năm 2 lần lại xới trộn để đảo trang phục. (Thời tiết giao mùa thay đổi liên tục khiến bạn loay hoay với việc lấy ra, cất vào.
Cất giữ đồ ít dùng để thỉnh thoảng khi nào cần thì tìm lấy (thường là lúc cần chẳng bao giờ thấy)
Cất giữ đồ dùng chờ thời điểm, chờ con lớn, chờ có thời gian rảnh. (Thực tế là đến lúc bạn nhớ ra thì đã không còn phù hợp, hoặc không còn giá trị nữa rồi)
Vậy để tổ chức không gian sao cho phù hợp với sự phát triển của các thành viên trong gia đình là cả một nghệ thuật. Ở đây không chỉ là nghệ thuật của sự sắp đặt mà còn là nghệ thuật của việc tổ chức cuộc sống với các hoạt động hàng ngày.