top of page

CÁC BƯỚC TỰ TRẤN AN CẢM XÚC MẠNH CHO BẢN THÂN

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Mình chia sẻ bài này cho những mẹ con đang loay hoay với việc làm chủ cảm xúc của bản thân nhé. Hầu như mọi người thường không ý thức được vấn đề cảm xúc cho tới khi con đầu tiên bước vào loanh quanh tuổi thứ 2. Những cơn giận và xung đột trước đó chúng ta có là giữa người lớn với người lớn. Khi con xuất hiện, chúng ta nhận ra có một cuộc xung đột mà ở đó bên kia yếu thế và nhỏ bé hơn mình. Chúng ta bắt đầu có sự áy náy và hối hận. Dù bản thân mình có đang ở đâu, hãy nhớ rằng nhận ra vấn đề luôn là khởi đầu của quá trình giải quyết vấn đề. Đừng để những cảm xúc phức tạp chồng chéo lên nhau ngăn mình học cách nhận diện và làm chủ chúng nhé.


1. Nhận diện, gọi tên cảm xúc mình đang có.

Để nhận diện được sớm mình cần tập nhận biết những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân trong cuộc sống thường ngày. Nếu vui mình tự biết: tôi đang thấy vui. Nếu chán mình tự biết: tôi đang thấy chán. Nếu lo lắng mình tự biết: tôi đang lo lắng. Nếu thấy hối hận và dằn vặt bản thân, hãy tự ghi nhận rằng: tôi đang hối hận và dằn vặt bản thân về tình huống vừa trải qua.


Tách mình ra để nhận biết trạng thái bất kỳ nào bản thân đang có là bài tập quan trọng đầu tiên. Nếu mới nghe bạn sẽ thấy lạ, nhưng sự thật là bạn hoàn toàn có thể quan sát chính mình.


Ví dụ như lúc rửa bát, làm được hai chiếc bát là mình nhận biết được rằng: mình đang rửa bát. Khi đó mình sẽ quan sát bản thân và tự động làm chậm lại, cẩn thận hơn, chú tâm hơn. Tập tương tự với nhiều việc khác mình làm trong ngày.


2. Quay vào trong cảm nhận năng lượng của cơn cảm xúc mạnh.

Bất kỳ cảm xúc mạnh nào cũng gây nên những thôi thúc bên trong cơ thể vật lý. Chúng khiến mình muốn thực hiện một hành động nào đó ra ngoài, có thể là: nói gì đó, làm gì đó, nhìn với ánh mắt khác, thái độ khác.


Khi mình không làm theo sự thôi thúc để giải toả, nguồn năng lượng tiêu cực giữ ở bên trong khiến cơ thể mình thay đổi: tay chân run lên, đầu nóng bừng, tim đập nhanh, cổ họng nghẹn. Mình cần tiếp nhận và điều hoà được nguồn năng lượng này.


Giống như một vũng nước, nếu đọng lại một chỗ nó rất lâu khô nhưng khi được tản ra xung quanh, nước sẽ bốc hơi nhanh chóng. Cảm xúc cũng vậy, nếu mình đè nén, giữ nó lại ở một vị trí nào đó trên cơ thể nó sẽ bị tích tụ ở đó. Khi mình thả lỏng ra, cảm xúc được toàn bộ cơ thể đón nhận và xử lý, nó sẽ tan đi nhanh hơn rất nhiều.


3. Quan sát đơn thuần các suy nghĩ đang diễn ra.

Khi có một cảm xúc mạnh, tâm trí sẽ dẫn dắt chúng ta đi rất xa. Những gì có ở trong đầu lúc đó thường không tốt đẹp, bị bóp méo và không có tác dụng tích cực, thiết thực trong việc giải quyết vấn đề.


Mình tập quan sát đơn thuần là để làm chủ được dòng suy nghĩ, không bị nó cuốn đi. Khi đó hãy tưởng tượng như là mình dành riêng một căn phòng trong đầu để đón tiếp những vị khách. Suy nghĩ 1 tới mình chào đón và ghi nhận nó. Suy nghĩ 2, 3, 4,... tới mình cũng làm điều tương tự. Suy nghĩ nếu không bị phủ nhận hay được hùa theo sẽ tự biến mất.


Trong một khoảng thời gian nhất định (nếu mình tập tốt sẽ nhanh hơn), chúng sẽ trả lại cho căn phòng sự bình yên. Chỉ sau đó mình mới có khả năng đưa ra phản hồi hợp lý. Nếu mình không đợi được tới thời điểm này mà phản ứng ngay khi cảm xúc mạnh tới, hậu quả để lại ngoài ảnh hưởng tới mối quan hệ còn là những tổn thương về mặt tâm lý cho cả hai bên.


4. Nếu có thể, tránh tiếp xúc và tương tác với người khác khi mình đang có cảm xúc mạnh.

Nếu không, mình cần có nguyên tắc cho bản thân, ví dụ như là không nói hoặc làm bất kỳ điều gì khi đang có cảm xúc mạnh. Nếu nói cần nói ngắn gọn và trong chừng mực.


Hoặc nếu là với con còn nhỏ, mình nên có một câu thông báo: Mẹ thấy đang giận quá, mẹ cần một phút để bình tĩnh lại. Con chờ mẹ nhé!


Lưu ý: Ban đầu có thể mình chưa làm được ngay nhưng tập nhận biết đều đặn, mỗi ngày một chút, khi tích luỹ đủ về lượng, chất sẽ thay đổi. Và tất nhiên đây cũng là bài tập kéo dài suốt cuộc đời.

23 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page