top of page

Làm sao để con vui vẻ đi mẫu giáo?

Bài đăng của thành viên HoangMy Truong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Bạn nhỏ nhà mình 27 tháng tuổi, đi trẻ được 6 tháng rồi vẫn cứ mè nheo “Phin ở nhà với mẹ, Phin không đến trường” và gào khóc mỗi lần cô giáo đón.


Bạn lớn gần 4 tuổi rồi thỉnh thoảng ngủ dậy vẫn hỏi: “Mẹ ơi hôm nay thứ mấy, con thích hôm nay là cuối tuần” hay “Con thấy ở nhà chơi một mình vui rồi, không cần đến lớp”.


Chắc mình không phải là mẹ bỉm duy nhất rối bời với việc từ chối đến trường của con đâu nhỉ? Nói thế nhưng mình hiểu rằng, chuyện đi mẫu giáo cũng là một thử thách đầu đời đối với con.


Tại sao con khóc khi đi trẻ?


Ngày trước, 3 tuổi là độ tuổi mầm non nhưng ngày nay, các con đến trường sớm hơn tuỳ hoàn cảnh và quan điểm của bố mẹ, có thể 6 tháng, 1 tuổi, 2 tuổi hoặc muộn hơn. Thế nhưng ở độ tuổi nào thì việc rời xa vòng tay bố mẹ hoặc người chăm non để đến một môi trường hoàn toàn mới và những gương mặt xa lạ cũng sẽ khiến con lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, khi con vào giai đoạn khủng hoảng xa cách (đỉnh điểm tầm 18 tháng tuổi), việc rời xa cha mẹ càng trở nên khó khăn hơn. Thế nên cha mẹ cũng nên chuẩn bị tinh thần rằng con khóc là bình thường.


Làm gì để giúp con vượt qua những ngày đầu đi trẻ?


Sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ không khiến ngày đầu tiên đi học bớt đi những giọt nước mắt nhưng ít ra con sẽ bớt có cảm giác bị bỏ rơi.


- Nói với con về trường học, cô giáo và bạn bè hoặc tốt hơn nữa, có thể đưa con đến trường tham quan, vui chơi trong sân, thỉnh thoảng nói chuyện với các cô giáo để con quen dần. Hãy nói với con một cách vui vẻ, tự nhiên, đừng truyền sự căng thẳng, lo lắng chuyện con đi học của cha mẹ qua lời nói bởi con sẽ cảm nhận được.


- Tìm hiểu kỹ và chọn trường phù hợp cho con và quan điểm của cha mẹ. Tất nhiên, bạn sẽ phải cân nhắc đến địa điểm, học phí, cơ sở vật chất nhưng hãy ưu tiên những tiêu chí về trình độ/thái độ của giáo viên và chương trình học/sinh hoạt của con hơn.


- Rèn cho con vào nề nếp sinh hoạt như ở trường để con thích nghi được nhanh. Nếu con còn nhỏ (dưới 1 tuổi) hoặc bạn không có thời gian, có thể trao đổi với cô giáo về lịch sinh hoạt của con ở nhà. Những ngày đầu cô giáo sẽ theo lịch sinh hoạt đó và thay đổi dần khi con đã quen.


- Màn chia tay trước khi vào lớp cũng rất quan trọng. Đừng giao con cho cô giáo rồi vội quay đi ngay. Hãy ôm hôn chào tạm biệt con, chúc con một ngày vui vẻ ở lớp và hẹn chiều đón con. Đối với những em bé khóc dai như bạn nhỏ nhà mình (đi học 6 tháng vẫn oà khóc khi cô giáo bế), “thủ tục chia tay” con có thể dài hơn một chút. Chẳng hạn, mình sẽ bế con quanh sân và thủ thỉ “Chào bạn cá, chào bạn sâu cuốn chiếu, Phin đã đến trường rồi đây, bây giờ Phin sẽ vào lớp ăn sáng và chơi vui với các bạn, cá và sâu cũng thế nhé.” hay “Chà, hôm nay có nhiều bạn khóc quá, con vào lớp chơi với bạn cho bạn vui hơn nhé”... rồi mới đưa con vào lớp.


- Hãy khích lệ con, cho con biết con đã làm rất tốt khi chơi ở trường cả một ngày dài và ôm con mỗi khi đón về. Những ngày đầu, khi về nhà trẻ sẽ bám bố mẹ, nhõng nhẽo hơn, dễ cáu hơn và thỉnh thoảng gặp ác mộng trong giấc ngủ. Hãy bao dung và đáp ứng nhu cầu được vỗ về, xoa dịu của con – nhớ rằng con đang phải vật lộn với thử thách đầu đời.


Nếu con vẫn từ chối đến trường mặc dù đã thân quen thì sao?


Cũng như người lớn, cảm xúc của trẻ vẫn có lúc thất thường và tuỳ hứng. Cho dù đã quen với cô với bạn, một ngày đẹp trời con có thể tuyên bố “Con không muốn đi học”. Những lúc này, bố mẹ có thể:


- Xem xét tình trạng sức khoẻ của con trước tiên: con có bị đau ốm gì không, ngủ có đủ giấc không, … Hãy đáp ứng nhu cầu hoặc xoa dịu con trước.


- Tìm hiểu các lý do từ phía trường học: con bị bắt nạt, cô giáo dữ dằn hay con xấu hổ vì không làm được điều gì đó. Hãy lắng nghe con.


- Nếu chỉ đơn giản là con thích ở nhà chơi hơn thì hãy thử nhắc con những hoạt động mà con thích ở trường để khơi dậy sự hứng thú. Chẳng hạn, “hôm nay con sẽ được bơi đấy” hay “chiều này con sẽ được cùng cô giáo làm món bắp rang bơ” hay “tuần này sẽ có một buổi dã ngoại”. Hoặc bạn cũng có thể nhắc con về ước mơ sau này (thường phù hợp cho bé trên 3 tuổi) – “Con thích làm robot mà đúng không, mình sẽ chẳng làm được nếu không chịu đến trường và học tập”.


Mình đã thử áp dụng và bạn nhỏ nhà mình 1 tuần nay không còn khóc nữa, đến lớp tự giác đi vào không cần cô bế luôn. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ phần nào hữu ích cho các ông bố bà mẹ đang đau đầu chuyện đi học của con.


8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page