TRẺ CÓ THỂ HỌC CÁCH THOẢ HIỆP KHÔNG?
Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
(lược dịch từ trang psychologytoday)
Trẻ nhỏ, trẻ mẫu giáo và cả trẻ tiểu học phải xoay sở thường xuyên với các cuộc cãi vã và xung đột.
Ví dụ như là: hôm nay có ngủ trưa không; ai được chơi món đồ kia; giờ đi ngủ sớm quá; con không muốn ăn món đấy; con không tìm thấy gấu bông; con không thích đi đôi ủng ấy đâu.
Các trẻ lớn hơn cũng trong tình trạng tương tự, chỉ khác về chủ đề của các vấn đề.
Có nhiều nguồn sách hướng dẫn về thỏa hiệp mà bạn có thể đọc cho trẻ, nhưng thực tế là mỗi đứa trẻ khác nhau và phản hồi với xung đột theo cách tốt nhất mà chúng biết xét theo đặc điểm sinh học, kinh nghiệm với bạn bè và môi trường nuôi dạy chúng. Mỗi gia đình lại có cách xử lý mâu thuẫn khác nhau, thậm chí một số gia đình không cho phép trẻ được có xung đột. Trẻ không thể thỏa hiệp, chỉ có thể chấp thuận theo cách người lớn đưa ra.
Người lớn cũng gặp khó khăn trong việc xử lý xung đột với nhau, huống hồ là những đứa trẻ còn đang học cách nói chuyện với nhau cho đúng ngữ cảnh. Tuy nhiên thì những đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo có thể học cách giải quyết mâu thuẫn nếu được hướng dẫn một cách đúng đắn và được tôn trọng quyền lợi của mình.
Một cuộc thỏa hiệp thành công cần có các bước cụ thể giúp hai người đạt được sự đồng thuận. Khi trẻ xây dựng các mối quan hệ và hiểu hơn về quyền lợi của mình cũng như của người khác, đôi khi chúng sẽ muốn thay đổi, việc đó giúp cho quá trình thỏa hiệp trở nên dễ dàng hơn.
Cũng giống như người lớn, nhiều trẻ cảm thấy khó khăn trong việc tìm ra giải pháp cho mình, một số gia đình còn đặt trẻ vào các chế độ “rút lui” hay là “né tránh” hoặc là “chiến đấu tới khi nào thắng thì thôi.” Trẻ có thể học cách thỏa hiệp nhưng với một số trẻ việc này có vẻ dễ dàng hơn trong khi một số khác lại không. Điều quan trọng là cần chú ý và lắng nghe các quan điểm khác nhau. Lựa chọn hoặc là một bên được cả hoặc là không được gì có thể dẫn tới bất lợi cho tất cả các bên.
Những gợi ý sau đây sẽ giúp bố mẹ có nền tảng cơ bản để bắt đầu thỏa hiệp và hướng dẫn trẻ thỏa hiệp với nhau, tìm tới một giải pháp chung khác với giải pháp gây xung đột cũ. Đây cũng là kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ trong cuộc sống của mình.
BƯỚC 1: KHÔNG TRANH GIÀNH THẮNG THUA
Điều này có nghĩa là bạn cần nói chuyện lại với trẻ, khi con đã bình tĩnh, nguôi cảm xúc từ chuyện vừa xảy ra, rằng con không cần lúc nào cũng phải “nhất” hay “đứng đầu” hay “thắng tất cả mọi trò chơi.” Thắng thua là một chủ đề khó để thảo luận. Không ai muốn là kẻ thua cuộc cả, trẻ nào cũng muốn mình thắng.
Hãy hướng dẫn trẻ cách tự nói chuyện với bản thân hoặc là với trẻ khác để thay đổi cách nhìn từ tiêu cực sang tích cực. Thay vì ăn vạ khi thua, trẻ có thể nói: “Trời, mình thua rồi, không sao, lần tới biết đâu mình sẽ thắng,” hoặc là “Mình ổn, mình biết chơi trò này, chỉ là lần này không may lắm thôi.”
Người lớn cần làm chủ cảm xúc của mình và tránh việc đổ lỗi cho đứa trẻ hoặc làm trẻ cảm thấy “tệ” khi không phải là người thắng. Mọi đứa trẻ đều trải qua áp lực “phải thắng” khi thấy bố mẹ đang xem mình chơi. Việc không bới lỗi hay chỉ trích là rất quan trọng trước khi bạn muốn thỏa hiệp với con.
Nếu một người bố/mẹ nói với con: “Phòng con lúc nào cũng bừa bộn. Bố/mẹ chịu con đấy!” đứa trẻ sẽ có cảm giác tiêu cực trước khi bạn bắt đầu thỏa thiệp. Có thể đứa trẻ mệt hoặc thấy việc dọn dẹp chán. Bạn có thể giúp con một chút hoặc nói với con về một hoạt động thú vị nào đó sau khi dọn dẹp xong. Không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả, nhưng bạn có thể thử.
BƯỚC 2: TÁCH BẠCH CUỘC XUNG ĐỘT/VẤN ĐỀ VỚI BẢN THÂN TRẺ
Khi cuộc xung đột giữa hai trẻ qua và cả hai đã bình tĩnh lại, bạn có thể nói về “vấn đề” này như là một sự việc riêng, không liên quan tới các con.Trẻ cần hiểu rằng bạn không đồng tình ở điểm nào đó trong cuộc xung đột này, nhưng điều đó không phản ánh đầu óc hay nhân cách trẻ.
Giúp và cho phép trẻ nói lên ý kiến của mình và đảm bảo là trẻ nào cũng có cơ hội được nói. Hãy đảm bảo xây dựng nguyên tắc: không đổ lỗi cho nhau khi có bất kỳ sự việc nào xảy ra. Trẻ nào cũng có thể học điều đó nếu được hướng dẫn.
BƯỚC 3: TẬP TRUNG TÌM LỢI ÍCH CHUNG (shared interest)
Trẻ hiểu rằng mâu thuẫn nào cũng có hai bên. Để tìm được giải pháp, mỗi trẻ cần hiểu được phía bên kia và rằng không ai có lỗi hay sai ở đây cả; chỉ là hai bên nghĩ theo cách khác nhau. Nếu trẻ nắm được rằng bên nào cũng đang muốn giải quyết vấn đề, nhưng lại theo cách khác nhau, trẻ sẽ bắt đầu cố gắng để tìm một giải pháp có lợi ích chung, ở đó nhu cầu của cả hai cùng được đáp ứng.
Nếu nghiêm túc tìm kiếm và thảo luận, chúng ta sẽ đều tìm ra giải pháp có lợi ích chung. Một giải pháp chung cho trẻ mẫu giáo có thể là cả hai trẻ vẫn tiếp tục chơi cùng với nhau, cho trẻ tiểu học có thể là trở thành bạn bè của nhau. Những lợi ích này có thể là bất kỳ điều gì. Nhiệm vụ của người lớn là giúp trẻ nhận ra điều đó.
Lợi ích chung là bước ngoặt cho một cuộc thỏa hiệp. Kể cả là các cuộc thỏa hiệp giữa các nhà lãnh đạo thế giới cũng đều có lợi ích chung trong đó. Đôi khi chúng ta quên mất những lợi ích chung này và lao vào tranh cãi cho ý kiến của riêng mình mà không quan tâm tới ý kiến của người khác.
BƯỚC 4: SÁNG TẠO VÀ ĐỀ XUẤT CÁC LỰA CHỌN MANG LẠI LỢI ÍCH CHUNG
Bước thảo luận, đề xuất giải pháp là rất quan trọng trong mọi cuộc thỏa hiệp. Trẻ cần thời gian để học cách giải quyết vấn đề chung với trẻ khác. Chẳng hạn như khi hai trẻ đều muốn dùng iPad mà lại chỉ có một chiếc iPad thôi, trẻ có thể nói chuyện với nhau về việc: làm thế nào để cả hai cùng vui chỉ với một chiếc iPad. Trẻ này có thể gợi ý, “À, anh sẽ dùng điện thoại của mình trong lúc em chơi trò chơi trên iPad, lát nữa mình đổi cho nhau nhé.” Hoặc một trẻ chơi trò này trong 10 phút trong khi trẻ kia ngồi xem và cổ vũ và sau đó hai trẻ đổi vai cho nhau. Một giải pháp nữa có thể là hỏi người lớn xem trẻ có thể dùng một chiếc iPad khác (hoặc một thiết bị nào khác có chức năng tương tự) để hai trẻ cùng được dùng và chơi cùng nhau hay không.
Nghe thì có vẻ dễ, nhưng muốn làm được trẻ phải được hướng dẫn để tập, thực hành cho tới khi có thói quen nói chuyện với nhau để tìm ra giải pháp chung. Một khi học được kỹ năng này, trẻ sẽ tự mình dùng nó mà không còn cần hỗ trợ nữa. Trẻ lớn hơn có thể biết cách tìm giải pháp nhưng cần được gợi ý để sáng tạo hơn, thậm chí có nhiều trẻ lớn vẫn còn cần được hướng dẫn kỹ năng này để có thể thỏa hiệp với trẻ khác.
Người lớn có lúc còn quên mất việc tìm ra các giải pháp chung mà ở đó hai bên đều vui và thoải mái. Tất nhiên việc này cần có thời gian thực hành và hai bên đều bình tĩnh khi tham gia thỏa hiệp.
BƯỚC 5: NHẤT QUÁN VỚI CÁC TIÊU CHUẨN ĐỀ RA
Cần có bộ tiêu chuẩn cho tất cả các cuộc thỏa hiệp. Trẻ nhỏ cực kỳ nhạy cảm với sự công bằng. Chúng muốn có những nguyên tắc cơ bản để theo khi thực hiện mỗi thỏa hiệp. Mỗi trẻ có thể nêu ra những điểm mà chúng cho là “công bằng” trong từng tình huống để đưa vào bộ nguyên tắc.
Ví dụ của nguyên tắc như là: trong khi một người đang nói, người kia không được ngắt lời. Điều này sẽ tạo cho trẻ thói quen áp dụng tương tự trong những mâu thuẫn về sau. Nếu khả thi, người lớn có thể đánh giá lại một lượt các nguyên tắc, chẳng hạn như là: không đánh, xô đẩy, đá, đe doạ, la hét hay dùng lời lẽ thiếu lịch sự, tôn trọng.
Nếu cả hai trẻ đều đồng tình với các nguyên tắc đề ra, chúng sẽ nhớ để áp dụng cho các mâu thuẫn về sau giữa hai bên. Đừng bao giờ nhượng bộ hay đầu hàng trước áp lực mà một trong hai trẻ sử dụng, chẳng hạn như là hối lộ, đe dọa hoặc thao túng. Nếu như một trẻ cứ khăng khăng chỉ theo tiêu chuẩn của mình thôi, hãy yêu cầu trẻ nêu lý do tại sao trẻ lại muốn thế, sau đó gợi ý tiếp cho trẻ một nguyên tắc mới có sự đồng thuận của cả hai bên. Người lớn cần tỉnh táo bám sát mục tiêu của cuộc thỏa hiệp.
Có một nguyên tắc quan trọng nữa là: nguyên tắc chờ đợi - chờ cho tới khi mỗi bên cảm thấy bình tĩnh hơn. Cũng có những trường hợp khi không thể đồng thuận được với nhau họ bỏ qua nguyên tắc này và cho phép mình bùng nổ cảm xúc ngay tại chỗ.
BƯỚC 6: ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN KHI CHƯA THỂ THỎA HIỆP
Cùng nhau thảo luận về việc sẽ làm gì khi hai bên không thể đi đến đồng thuận rất quan trọng. Người lớn cần sáng tạo trong việc nghĩ ra các ý tưởng có thể thỏa mãn cả hai bên nếu như vẫn chưa tìm ra phương án chung. Cùng nhau nói chuyện và đưa ra một danh sách các ý tưởng này.
Với trẻ, bạn có thể gợi ý thêm trẻ có thể làm gì nếu như không thể dùng iPad bây giờ và nếu hai trẻ vẫn cãi nhau về chiếc iPad mà không thể tìm ra cách chơi chung, bạn sẽ phải cất chiếc iPad đi (cho tới khi nào hai trẻ thỏa hiệp được với nhau) và trẻ sẽ phải tự nghĩ ra trò khác để chơi.
Nên nhớ không phải trẻ nào cũng bình tĩnh, hợp tác lên ý tưởng hay đề ra tiêu chuẩn cho một cuộc xung đột, khi đó hãy nghĩ tới việc mình sẽ làm gì nếu trẻ không hợp tác. Một số gia đình không cho phép trẻ được có xung đột với nhau hoặc chỉ có một vài thành viên được có xung đột. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn khẳng định rằng hầu hết trẻ có thể đặt ra nguyên tắc thỏa hiệp nếu trẻ thực sự muốn tìm ra phương án mang lại lợi ích cho hai bên.
TÓM TẮT CÁC BƯỚC THỎA HIỆP CHO TRẺ
1) Hãy quên “vị trí thứ nhất/tốt nhất” đi và không đổ lỗi cho nhau.
2) Chờ tới khi hai bên đã bình tĩnh lại để xác định vấn đề, cần tách bạch vấn đề khỏi con người trẻ.
3) Xác định lợi ích chung.
4) Đề xuất ý tưởng cho các phương án thỏa mãn lợi ích chung.
5) Thiết lập nguyên tắc và tiêu chuẩn khi thỏa hiệp để tránh phát sinh thêm vấn đề.
6) Đề xuất phương án khi chưa thể thỏa hiệp.
Hãy giúp trẻ thấy rằng: Với tư cách là một nhà đàm phán, bạn sẽ luôn tìm ra giải pháp có thể thỏa mãn cả bên kia. Nếu như có một trẻ cảm thấy không công bằng, vậy thì phương án đó là không khả thi. Không chỉ có một cách duy nhất để đi tới sự đồng thuận, hãy tử tế với nhau và kiên nhẫn để thỏa hiệp. Trẻ có thể học được kỹ năng này theo thời gian nhờ vào tập luyện và sự hỗ trợ.
-----
Con bé của mình 30 tháng và mình vẫn hay nói chuyện kiểu thương lượng, thỏa hiệp với bạn. Ví dụ như là:
- Con muốn con vịt này.
- Nhưng mẹ lại đang cần nó để chơi với anh.
- Không, con thích con vịt này.
- Mẹ thấy đằng kia có một con lợn, mẹ có thể dùng nó để chơi. Nếu con mang nó ra đây, mẹ sẽ đổi với con con vịt này. Con đồng ý không.
- (chạy đi lấy để đổi)
Hoặc với bạn 5 tuổi như là:
- Mẹ cầm áo hộ con.
- Làm thế nào bây giờ nhỉ, mẹ đang cầm giấy ở tay này, lát nữa mẹ còn phải dắt em xuống cầu thang.
- Nhưng con mỏi tay.
- Vậy à, em cũng không thể tự đi xuống cầu thang được.
- Hay tí nữa con dắt em cho.
- Cầu thang dài, mẹ không yên tâm lắm. Hay con cầm giấy này đi, cầm cẩn thận, mẹ cầm áo?
- Thôi được rồi... (vẻ thất vọng).
Với bạn lớn 8 tuổi thì trước đây mình chưa có ý thức để tập, cộng thêm với cá tính của bạn, việc thỏa hiệp có phần khó khăn hơn. Tuy nhiên cũng không vì thế mà mình nhượng bộ, con càng khó mình càng phải cứng rắn và nhất quán:
- Bài này dài, nhiều chữ thế này con không làm đâu.
- Nhưng mình không thể bỏ qua, không làm chỉ vì nó dài được.
- Con không làm, mẹ nói gì con cũng không làm.
- Con vừa viết nhiều xong nên thấy ngại viết tiếp?
- (Im lặng)
- Mẹ hiểu nên mẹ mới ngồi lại để nói chuyện xem nên thế nào để con cũng không phải viết nhiều quá mà bài tập mình vẫn làm.
- Con muốn hôm sau làm.
- Vậy con có thể chọn bài ngắn hôm nay làm trước. Bài dài này con nghĩ xem khi nào mình sẽ làm?
- Thứ 7 con làm.
- Được, con ghi giúp mẹ vào đây số 7 để hôm sau không quên. Giờ con làm nốt đi rồi nghỉ nhé.
Như bài dịch ở bên trên, mấu chốt luôn là nhìn ra được nhu cầu hai bên là gì, chung nhau ở đâu => phương án nào khả thi mà bên nào cũng được đáp ứng. Với trẻ chưa quen thương lượng mình phải kiên nhẫn hơn một chút. Khi mình tập nhiều quen rồi thì việc thương lượng sẽ dễ dàng hơn, trẻ cũng hợp tác hơn. Và tất nhiên, bắt đầu càng sớm thì càng tốt.