top of page

KHI TRẺ HỌC ĐIỀU MỚI

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Trong cuốn Giao tiếp với con trẻ như thế nào, tác giả có viết về một nguyên tắc là: Đừng can thiệp vào công việc trẻ đang làm nếu nó không nhờ giúp đỡ. Việc bạn không nhúng tay vào sẽ là thông báo cho nó biết: “Mọi việc ổn cả. Con tất sẽ làm được.”

Những kết quả con học được khi đó là:

- kiến thức hay kỹ năng mà con trẻ thu nhận được từ việc đó - được luyện tập năng lực học tập nói chung, tức dạy chính mình. - dấu ấn cảm xúc mà công việc đã đem lại: hài lòng hay thất vọng, tin tưởng hoặc thiếu niềm tin vào sức lực của bản thân. - dấu ấn của mối quan hệ tương hỗ giữa bạn và con bạn nếu bạn đã cùng tham gia với con. Ở đây kết quả thu được hoặc tốt (hai bên hài lòng về nhau) hoặc không tốt (thêm phần khó chịu nhau).

QUAN TRỌNG: Nguy cơ là phụ huynh chỉ hướng vào kết quả thứ nhất (Con thuộc chưa? Con biết cách làm rồi chứ?). Trong khi đó ba kết quả cuối lại quan trọng hơn rất nhiều.

Nếu con bạn tư duy kỳ quặc, nặn con chó giống con thằn lằn, viết chữ nguệch ngoạc hoặc kể chuyện thiếu mạch lạc về một cuốn phim nhưng say sưa, chăm chú thì bạn đừng phê phán, đừng bắt bẻ. Một khi bạn tỏ ra hứng thú với việc làm của con, bạn sẽ thấy rằng sự tôn trọng và chấp nhận từ hai phía tăng lên, điều mà cả bạn lẫn con trẻ đều cần biết chừng nào.

Còn có một nguyên tắc kế tiếp nữa, đó là: Một khi trẻ gặp khó khăn và mong muốn nhận được sự giúp đỡ của bạn thì nhất thiết bạn phải giúp. Nếu để mặc hoặc gây áp lực, trẻ sẽ mất dần hứng thú với việc đó.

Khi giúp: Chỉ nhận về mình phần việc mà con trẻ không tự làm được, còn lại cứ để mặc trẻ =>Dần dần, khi trẻ đã nắm được những thao tác mới, hãy chuyển giao công việc cho trẻ.

----

Khi dạy cho trẻ một thứ mới, mục tiêu trẻ hiểu và tự mình làm được là mục tiêu gần trước mắt, ai cũng biết. Tuy nhiên nếu mình cứ tập trung vào đó thì rất dễ mất kiên nhẫn và bực bội khi trẻ làm sai hoặc nói là trẻ không biết. Rồi từ đó chế độ nhận xét bắt đầu được bật lên: Ơ hay nhỉ, mẹ nói mãi rồi còn gì; Gì đấy, gì đấy, làm lại xem nào; Trời, lại thế rồi, làm lại!; Con sao ấy nhỉ, có thế mà vẫn không hiểu/không nhớ được là sao; vân vân mây mây.

Và hẳn nếu từng trải qua bạn sẽ biết, đứa trẻ trở nên e dè, né tránh và thu mình lại, không còn hào hứng, chủ động trong việc học cái mới nữa, hoặc là trẻ sẽ lo lắng, sợ hãi và trở nên phụ thuộc vào việc trả-lời-đúng-ý người hướng dẫn thay vì thoải mái suy nghĩ và phát biểu ý kiến của mình mà không có áp lực đúng hay sai.

Tuy nhiên nếu bạn tập trung vào mục tiêu xa hơn, bao trùm hơn (giống như 3 kết quả sau mà cuốn sách đề cập ở bên trên) là:

- cảm giác tự tin của đứa trẻ vào bản thân rằng mình hoàn toàn có thể học được và làm được. - thái độ tích cực trong cuộc sống: còn sai sót, mắc lỗi là điều bình thường, quan trọng là mình luôn luôn có cơ hội để sửa, để học, mình học từ cái sai không phải từ việc luôn đúng, luôn giỏi, luôn tốt. - trẻ không bị dán nhãn, không hình thành trong mình niềm tin: mình tệ, mình không có khả năng, mình có vấn đề => là nguồn gốc sâu xa của thái độ luôn muốn chứng tỏ, chứng minh mình đúng đắn, mình hơn với người khác. Đó là vấn đề của lòng tự trọng. - tinh thần trách nhiệm của đứa trẻ trong việc học của bản thân. - niềm tin của đứa trẻ vào người lớn chúng ta. - mối quan hệ tốt đẹp giữa ta và trẻ và bầu không khí an toàn, cởi mở, vui vẻ giữa hai bên.

thì tự động bạn sẽ không còn thấy phải gắt gỏng hay bực bội khi trẻ vẫn chưa nắm được điều bạn đang dạy. Phần năng lượng sinh ra từ đó có thể sẽ được tập trung vào việc cùng nhau luyện tập và thực hành. Cơ hội ở đây là bạn càng thoải mái, dễ chịu, chấp nhận và kiên nhẫn với cái sai của trẻ, tinh thần học hỏi, khám phá của trẻ càng được nuôi dưỡng, trẻ càng tiếp thu tốt hơn, hiểu và làm được nhanh hơn.

Quanh đi quẩn lại cũng không thoát được việc người lớn phải học - để khi bế tắc còn có thể linh hoạt thay đổi cách tiếp cận của mình và xoay chuyển tình thế thay vì cứ khư khư một cách làm cũ và dồn hết mọi năng lượng tiêu cực lên đứa trẻ.

9 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page