top of page

Trẻ khóc lóc, rên rỉ và cách phản hồi

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


(Mình cần phân biệt giữa tiếng khóc của trẻ để giải tỏa cảm xúc và tiếng khóc lóc, rên rỉ, than vãn, kêu ca nhằm có được sự chú ý, quan tâm của người lớn. Mong muốn được chú ý không sai nhưng hành vi được dùng để có nó cần điều chỉnh. Hướng dẫn con thể hiện bằng thái độ, lời nói lịch sự để: 1) khiến người nghe cảm thấy dễ chịu, được tôn trọng, 2) khả năng có được sự chú ý là cao nhất, 3) vì sự trưởng thành của bản thân trẻ.)


(Bài lược dịch từ trang parents.com)


Rên rỉ (whining) là hành vi khá thách thức, biết được cách phản hồi có thể giúp bố mẹ lật ngược tình thế.


Từ dạo con gái Elizabeth của tôi có thể nói được thành câu, con thường rên rỉ khi không có được thứ mình muốn. Khi con lên 3 tuổi, tiếng rên rỉ của con vẫn làm tôi phát điên. Tôi lầm bầm giận dữ trong miệng, nghiến răng, thậm chí là rên rỉ đáp lại. Có lần mất kiểm soát, tôi la hét dữ dội khiến con òa lên khóc. Tuy nhiên hầu hết các pha là tôi để kệ cho con tự hết.


Việc rên rỉ - sự kết hợp khó chịu giữa nói và khóc - có thể khiến cho hầu hết các bậc phụ huynh tức giận hoặc nhượng bộ. Trẻ độ tuổi mẫu giáo rất thông minh. Trẻ biết với tông giọng nào có thể gây ảnh hưởng mạnh tới cha mẹ và nếu hành vi đó có tác dụng một lần, rất có thể trẻ sẽ tiếp tục dùng nó trong tương lai.


TẠI SAO TRẺ RÊN RỈ


Một đứa trẻ rên rỉ, nhõng nhẽo không cố tình gây phiền phức hay trở nên hư. Rên rỉ là cách mặc định trẻ thể hiện khi chúng mệt mỏi, cáu kỉnh, đói, khó chịu hoặc chỉ là không muốn làm gì đó. Dù kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ tầm 3 đến 4 tuổi phát triển khá nhanh, trẻ vẫn chưa có đủ vốn từ để mô tả các cảm xúc của mình.


NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM


Ngay cả khi trẻ có thể diễn đạt rằng chúng đói hoặc không thích ngồi trên ghế xe ô tô thì chúng vẫn có thể kèm theo rên rỉ bởi vì chúng biết chỉ cần rên rỉ sẽ có được sự chú ý của bố mẹ.


Đối với những trẻ tầm 3 tới 4 tuổi đang thử giới hạn tự do của mình thì việc rên rỉ là sức mạnh của chúng.

  • Nếu bạn không thể chịu được tiếng rên rỉ, con càng có xu hướng rên rỉ nhiều hơn, đơn giản vì làm thế sẽ nhận được sự phản ứng.

  • Thậm chí cả việc mắng mỏ cũng khuyến khích trẻ làm vậy. Trẻ chỉ muốn có được sự phản hồi. Khi không biết cách để có được sự phản hồi tích cực, chúng sẽ tìm kiếm phản hồi tiêu cực.

  • Hiển nhiên việc nhượng bộ (“Thôi được, bố/mẹ sẽ cho con một chiếc kẹo, nhưng con phải ăn bữa trưa đấy!) cũng không thể có tác dụng. Bạn có thể thoát khỏi tiếng rên rỉ tạm thời, nhưng vấn đề sẽ kéo dài.


CÁCH PHẢN HỒI


Tin vui là bạn có thể ngưng chuyện này lại theo cách hỗ trợ sự phát triển của con chứ không cần phải trừng phạt. Khi bạn ngừng bực bội bởi tiếng rên, con cũng sẽ ngừng việc đó.


Việc này ban đầu không dễ dàng gì vì tôi thường chỉ muốn hét lên hoặc nhượng bộ. Sau này tôi học được rằng phải kiên định và nhất quán. Tôi tập làm chủ bản thân và đồng thời yêu cầu con làm điều tương tự. Chỉ trong vài tuần, Elizabeth đã quen với việc hỏi lịch sự thay vì mè nheo. Sau đây là những điểm bạn cần nhớ:


1) Không để tiếng rên rỉ gây khó dễ

Chọn một thời điểm hợp lý và nói với con rằng từ giờ mình có một nguyên tắc mới: Nếu con rên rỉ, mè nheo, bố/mẹ sẽ không trả lời.


Bất cứ khi nào con tiếp tục việc đó, giữ vẻ mặt trung lập, nhẹ nhàng nhắc nhở con rằng: Bố/mẹ ở đây, sẵn sàng lắng nghe và giúp con nhưng con cần nói bằng giọng bình thường và lịch sự.


2) Cần chắc chắn con biết thế nào là “hỏi lịch sự”

Nghe thì khó tin nhưng có trẻ không biết là mình đang rên rỉ hay thật sự hiểu rên rỉ nghĩa là gì. Cách tốt nhất là ghi âm lại (thực ra chỉ cần bố mẹ diễn tả lại là đủ) và cho trẻ nghe sự khác nhau giữa cách nói bình thường và rên rỉ. Nên nhớ mình đang giúp trẻ học cách diễn đạt chứ không phải để trẻ cảm thấy mình tệ thế nào.


Bạn nên hướng dẫn con các từ cụ thể để nói về cảm xúc của mình như là mệt, đói, chán hoặc khó chịu. Trẻ rất muốn làm điều đúng nhưng thường thì người lớn mặc định trẻ đã biết điều đúng là gì rồi nên thay vì hướng dẫn chi tiết thì lại bực bội. Khi bạn làm mẫu cho trẻ cách đúng là thế nào, trẻ sẽ học theo.


3) Dự đoán và nhắc nhở

Mình có thể dự đoán và tránh được việc rên rỉ trong một số tình huống quen thuộc nhất định. Nếu như trẻ hay rên rỉ, mè nheo ở cửa hàng, vậy mình nhắc nhở trước rằng việc đó không được chấp nhận ở đây. Tốt nhất là trước khi vào, mình có thể hỏi trẻ: Nguyên tắc ở đây hôm nay là gì nhỉ?


4) Khen ngợi đúng lúc

Bố mẹ thường dễ nhắc nhở khi con sử dụng thái độ hay giọng điệu không hay nhưng lại hiếm khi khuyến khích và khen ngợi lúc trẻ làm tốt. Mình có thể nói: “Cảm ơn con vì đã nói bằng giọng bình thường,” “Bố/mẹ thích khi nghe con nói như vậy.”


Ban đầu bạn có thể thấy không quen lắm nhưng áp dụng một thời gian, tiếng khóc lóc, rên rỉ của con gái tôi giảm rõ rệt.


5) Kiên nhẫn

Việc thay đổi không diễn ra trong ngày một, ngày hai. Bạn cần nhất quán và kiên trì, nếu không con sẽ nhận ra là bố/mẹ sớm phản ứng lại với mình như cũ thôi. Tôi nhận thấy con gái tôi thay đổi thực sự sau một tháng, có trẻ có thể lâu hơn hoặc nhanh hơn.


Hãy kiên nhẫn! Nếu bạn không giúp con phát triển khả năng giao tiếp tích cực, tình hình có thể tệ đi và ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác trong tương lai vì duy trì tình trạng này con sẽ không học thêm được cách thức giao tiếp hiệu quả nào khác. Mục đích của chúng ta là giúp con trở nên tốt hơn, tích cực hơn, việc đó cần bạn phải đầu tư thời gian và công sức.

50 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page