top of page

Trở thành người lắng nghe trung thành của con

“Con yêu, nói mẹ nghe có chuyện gì nào?”

“Không có gì ạ.”

Chúng ta thường hỏi những câu như vậy với mong muốn rằng, điều đó sẽ giúp con nói ra những điều con muốn nói. Nhưng chúng ta cũng dễ dàng thất vọng khi không nhận được câu trả lời như ý và hoàn toàn mất phương hướng trong việc xác định con đang nghĩ gì. Thực tế, vấn đề không nằm ở những câu hỏi ấy mà nằm ở cách chúng ta lắng nghe con.

Kỹ năng quan trọng nhất trong giao tiếp với bất kỳ ai, kể cả với con trẻ, là khả năng lắng nghe. Không phản ứng tức thì, không rao giảng, không dạy bảo, không phản biện hay đưa ra giải pháp. Lắng nghe trước hết phải là lắng nghe đã, như câu mà mình thường nhắc nhở bản thân rằng “nghe như nuốt từng lời” vậy.

Con cái chúng ta không phải lúc nào cũng muốn được cha mẹ dạy bảo, được đưa ra lời khuyên hay thuyết giảng về một điều gì đó. Mà điều con cần nhiều nhất ở chúng ta là sự quan tâm và cảm thông một cách chân thành. Đó chính là bí quyết để lắng nghe con một cách sâu sắc nhất.

Bản năng bảo vệ con của chúng ta sẽ được kích hoạt gần như ngay lập tức khi con kể điều gì đó. Chúng ta lắng nghe trong tư thế chiến đấu, như thể chỉ cần con sơ hở một chút thôi, chúng ta sẽ ngay lập tức chen vào lời của con, dạy bảo con liên tục. Đừng lo lắng, phản ứng đó là điều bình thường, đó là cách mà trước đây chúng ta được nuôi dạy. Sai ở đâu, nhắc ở đó, sửa ngay trước khi lặp lại.

Để trở thành một người lắng nghe chân thành với con cái của mình không khó, chúng ta chỉ cần chú ý những điều cơ bản sau đây:

Tập trung hoàn toàn

Những phút giây bên nhau là món quà quý giá cho con cái và chúng ta, hãy trân trọng chúng. Tạm gác lại việc nhà, việc cơ quan hay mối bận tâm bạn đang có sang một bên để tập trung lắng nghe con nói. Trẻ biết khi nào bố mẹ không thực sự lắng nghe mình. Dù có thể con không thể hiện ra nhưng điều đó sẽ khiến trái tim trẻ tổn thương. Khi bạn tắt điện thoại, ngồi xuống và nhìn vào mắt con để lắng nghe. Con sẽ ghi nhớ mãi rằng: “Bố mẹ đã tạm dừng mọi việc để lắng nghe mình nói, mình là người quan trọng nhất với bố mẹ”.

Sử dụng câu nói gợi mở khi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện với con

Đừng bắt đầu gợi mở cuộc trò chuyện bằng câu hỏi “Tại sao…?”, điều này sẽ đặt con vào tâm lý phòng thủ và thu mình lại đề phòng sự tấn công của cha mẹ. Mặc dù chúng ta hoàn toàn không có ý như vậy với con. Hãy bắt đầu bằng việc thừa nhận và gọi tên cảm xúc của con mà không phán xét hay đề xuất cách giải quyết. Hãy nhớ rằng, chúng ta gợi mở cuộc trò chuyện này để lắng nghe con nói chứ không phải để con lắng nghe mình.

Một câu thừa nhận cảm xúc đơn giản:

“Mẹ thấy con đang tức giận với anh…”

Tốt hơn việc đưa ra giải pháp:

“Con phải hòa thuận với anh của mình chứ”

Và hiệu quả hơn câu hỏi tại sao:

“Tại sao con lại tức giận với anh?”

Sử dụng những từ ngữ đồng tình với trải nghiệm của con

Việc đồng tình với trải nghiệm của con giúp con mở lòng và thoải mái trò chuyện hơn. Vì con cảm nhận được rằng bố mẹ đứng về phía mình, thực sự hiểu cảm giác của mình. Đó là minh chứng của sự cảm thông và tin tưởng. Chúng ta không cần nói quá nhiều, chỉ cần vừa đủ để tạo sự an toàn cho con. Như những cụm từ:

  • Thật là buồn/ngại ngùng/xấu hổ/đau.. nhỉ?

  • Mẹ rất tiếc vì không ở đó để giúp con

  • Thảo nào con khó chịu đến vậy

  • Có vẻ như con sẽ không muốn nghĩ đến nó nữa

  • Mẹ cũng cảm thấy giống như con vậy

Đồng cảm khác với thăm dò

Câu nói: “Nói mẹ biết con đang thấy thế nào?” không hẳn là sự đồng cảm, nó mang ý nghĩa thăm dò nhiều hơn. Sự đồng cảm là việc chúng ta phản ánh lại bất kỳ điều gì mà con đang thể hiện ra cho chúng ta thấy.

“Con có vẻ buồn.”

“Con yêu, mẹ thấy con im lặng rất lâu từ lúc ăn tối xong đến giờ.”

Sau đó là một nụ cười ấm áp hay một cái ôm nhẹ nhàng sẽ khuyến khích con mở lòng nhiều hơn so với những câu hỏi dồn dập với con.

Cho con không gian tự nhiên để trò chuyện

Trẻ thường cởi mở hơn khi trò chuyện trong một không gian tự nhiên, khi mà chúng ta không nhìn trực tiếp con. Tùy vào mỗi em bé, mà con có thể thích được trò chuyện khi ở trên xe, khi mẹ rửa bát hay khi cùng nhau dạo bộ trên đường. Nhiều trẻ thì có xu hướng trút bầu tâm sự với bố mẹ trong bóng tối trước giờ đi ngủ.

Đó hoàn toàn là điều bình thường, chúng ta cũng có những cảm giác như thế khi muốn tâm sự hay bày tỏ điều gì đó. Một nơi an toàn, thoải mái là nơi những câu chuyện của riêng con được bộc bạch rõ ràng và trọn vẹn nhất.

Đừng bắt đầu bằng việc cố gắng thay đổi cảm giác của con

Xin hãy nhớ rằng, đồng cảm với cảm giác tồi tệ của con là cách nhanh nhất để nó tiêu tan. Còn việc tranh luận hay khuyên nhủ để con thoát khỏi cảm giác đó chỉ làm con trở nên mệt mỏi hơn. Hay cũng chỉ khiến sự tiêu cực biến mất trong tức thời rồi quay lại với con ngay khi chúng ta rời đi.

Điều này không có nghĩa là chúng ta đắm chìm hay phóng đại cảm giác của con. Mà chỉ đơn giản là thừa nhận và tôn trọng những điều mà con đang cảm thấy. Một khi con được hướng dẫn cách thừa nhận và tôn trọng cảm xúc của mình, con sẽ biết cách khiến mình “vui lên” theo đúng cách mà con mong muốn.

Hãy để con tự giải quyết vấn đề của mình

Đã là vấn đề của con hãy để con vượt qua bằng cách tự mình suy nghĩ về giải pháp, chứ không phải là ngồi yên chờ ai đó đến giải quyết hộ mình. Khi con bày tỏ cảm xúc của bản thân về điều gì đó, chúng ta chỉ nên lắng nghe và thừa nhận thay vì lao vào tìm những phương án để giải quyết cho con. Để làm được điều này, chúng ta sẽ cần phải quản lý được sự lo lắng bản năng của mình dành cho con.

Hãy tự nhủ rằng, vấn đề bằng tuổi với con nên con hoàn toàn có thể xử lý được.

Nói ít đi

Nếu cần thiết hãy lấy tay che miệng lại để tránh ngắt lời con trong cuộc trò chuyện giữa hai người. Đúng là có nhiều khoảnh khắc con cần được dạy bảo, nhưng con cũng sẽ học được rất nhiều điều từ việc lắng nghe bản thân nói và đưa ra kết luận của riêng mình.

Con sẽ thích thú khi bố mẹ thực sự cuốn vào câu chuyện của mình và lắng nghe một cách chăm chú. Chúng ta cũng có thể nói những câu ngắn như “uhm”, “ồ”, “ra thế”, “con tiếp tục đi”, “mẹ vẫn đang nghe”... để thể hiện sự tập trung với câu chuyện của con.

Phản ứng đúng với tâm trạng của con

Con khóc lóc buồn bã như thể đến ngày tận thế vì làm mất dây ruy băng của gấu bông. Và chúng ta cảm thấy thật kỳ lạ, chỉ là một chiếc ruy băng thôi mà, đúng không?

Thử ngược lại vấn đề một chút, bạn đã khóc vì chia tay với người yêu năm 18 tuổi? Lúc đó nếu ai nói với bạn rằng chuyện khóc lóc đó thật nhảm nhí thì bạn có muốn nổi cơn thịnh nộ và sẵn sàng hét vào mặt người đó để cho họ thấy bạn đang tồi tệ thế nào không? Vậy đấy, chiếc dây ruy băng của con cũng giống như người yêu năm 18 tuổi của bạn vậy. Đều là những lý do chính đáng để nảy sinh cảm giác tiêu cực.

Nhưng may mắn là, nếu như chúng ta đồng cảm với những cảm xúc tiêu cực mà con đang gặp phải, chúng ta cũng đang trao cho con sự tự tin về việc những điều này sẽ sớm qua đi, niềm vui sẽ lại đến.

Quản lý cảm xúc của chính mình

Trong quãng thời gian làm cha mẹ, sẽ có nhiều lúc những câu chuyện của con làm chúng ta lo lắng đến bất an. Hãy tạm dừng luồng suy nghĩ đang bừng bừng trong đầu bằng cách hít sâu và thở đều vài lần trước khi nói bất kỳ điều gì với con.

Con chia sẻ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ chúng ta chứ không mong chờ những lời khiển trách. Vì vậy, nếu như con về nhà và hét lên “Con ghét cô giáo! Cô mắng con trước mặt cả lớp!” và chúng ta có thể sẽ muốn trả lời ngay rằng: “Con đã làm gì để cô phải mắng con như thế?” hay “Đừng bao giờ nói ghét ai con ạ.”

Nhưng những gì con cần nghe là: “Chắc hẳn con đã rất xấu hổ vào lúc đó. Không có gì ngạc nhiên khi con cảm thấy tức giận với cô giáo cả. Và mẹ hiểu được cảm giác của con bây giờ.”

Và nếu như trong lòng chúng ta trào lên cảm giác trách nhiệm như: “Phải làm sao để con không mất kiềm chế như vậy?”, hay nỗi sợ hãi len lỏi rằng “Không thể tin được là điều này lại xảy ra với con mình”. Thì hãy cố gắng giữ lại những cảm xúc đó và đặt chúng sang một bên để xử lý sau. Điều quan trọng nhất là giúp con vượt qua cảm giác tồi tệ mà con đang có. Lắng nghe và trao đổi hoặc đưa ra một vài lời khuyên (nếu con yêu cầu) để con có được cách phù hợp cho vấn đề của chính mình.

Hãy nhớ rằng mọi hành vi của con đều có ý nghĩa

Ngay cả khi con chưa thể nói ra hay nói rất ít đi chăng nữa, con cũng luôn muốn kết nối với chúng ta-bố mẹ thân yêu của con. Việc của chúng ta là chấp nhận cách giao tiếp của con dù chúng được thể hiện dưới dạng thức nào đi chăng nữa.

Có một câu chuyện mà mình nhớ mãi về cô con gái 5 tuổi của bạn mình. Cô bé đã chạm nhẹ ngón tay vào mu bàn tay của mình để làm quen. Trong suốt thời gian nửa tiếng sau đó, chúng mình chỉ nhìn vào mắt nhau, cười thành tiếng hoặc chạm vào tay nhau chứ không có bất kỳ lời nói nào được tạo ra. Nhưng mình cảm nhận được đó đã là một cuộc trò chuyện thú vị vô cùng của ngày hôm đó rồi.

Về cơ bản, nguyên tắc cốt lõi để lắng nghe con là khả năng đồng cảm, chấp nhận cảm xúc và không phán xét. Khi đó con được thoải mái mở lòng, những cảm xúc tiêu cực tuôn ra và con học được cách giải quyết chúng. Việc đồng cảm với con không tạo ra những hành động theo cảm xúc, mà chúng đóng vai trò như một liều thuốc giảm đau cho tinh thần.

Ngược lại, khi cảm xúc của con bị kìm nén, chúng sẽ vẫn ở đó trong tâm trí của con và trực chờ bộc phát vào lúc bất ngờ nhất. Chúng giày vò tâm trí của con, khiến con rơi vào những cơn ác mộng, những nỗi niềm không bao giờ dám kể cho bố mẹ.

Xét cho cùng, những bậc phụ huynh chúng ta thực sự cần học cách để trở thành người lắng nghe trung thành nhất của con ở mọi thời điểm.


0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page