top of page

CHUYỆN TẬP TÔ VÀ CÁCH TẠO LẬP CHO CON LỐI TƯ DUY TĂNG TRƯỞNG - GROWTH MINDSET

Bài đăng của thành viên Hoàng Ngọc trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Chuyện là bạn Tin nhà mình thuận tay trái. Con viết, vẽ, và làm mọi thứ khác đều bằng tay trái. Mình lo lắng rằng nếu không cho con luyện viết tay phải, đến khi vào lớp 1 dễ bị các cô gõ tay, để lại nỗi ám ảnh trong con.


Vậy nên sau sinh nhật 5 tuổi của Tin, nhằm tập cho con thay đổi thói quen viết tay trái (chứ không phải để chạy đua thành tích), mình cho con tập tô chữ, số và các nét cơ bản bằng tay phải. Nhân cơ hội này tạo cho con thói quen ngồi vào bàn tập trung học bài để mai mốt không bị NGỢP, một công đôi việc luôn.


Để khích lệ con viết bài, mình đặt ra phần thưởng: Cứ mỗi một bài viết hoàn thành, con được tích điểm bằng 1 sticker. Đủ 10 sticker thì con sẽ được bố mẹ cho đi chơi một ngày vui tới nóc.


Kiểu động lực bên ngoài này khá hiệu quả với Tin, có ngày Tin năng nổ viết hẳn 2 bài để sớm tích được nhiều sticker. Con đã được đi chơi 2 lần nhờ tích điểm sticker như vậy rồi.


Trừ trường hợp con viết quá vội vã khiến chữ nguệch ngoạc khó nhìn, mình hiếm khi bắt con phải tẩy những chữ "xấu" đi, vì cảm thấy việc đó giống như đang phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực của con. Mình luôn động viên con, rằng chỉ cần con tập trung tô chậm rãi, hoàn thành bài viết là đã rất đáng khen rồi.


Trong quá trình con tập tô, hai mẹ con sẽ hào hứng bình chọn ra một, hai chữ gọn gàng xinh xắn nhất, xứng đáng là "hoa hậu" của cả bài. Mình vẫn thường áp dụng chiến thuật ăn mừng những thành tích nhỏ thay vì chờ một thành công lớn như vậy để động viên con cũng như động viên chính mình. Và thật lòng mà nói, dù trong 10 chữ con tô chỉ có 1 chữ đẹp, mình cũng vẫn vui.


Đối với mức độ tự giác của em bé, mình không có gì phải phiền lòng cả. Duy chỉ có một hạn chế là khi vào bài mới với những nét khó viết, con rất dễ khóc, chán nản khi chữ viết bị xấu xí phải tẩy đi viết lại. Dù mình có nói với con rằng con không cần tẩy đi đâu, con đã cố gắng và mẹ thấy thế là đủ rồi, em bé vẫn mếu máo:


"Nhưng con muốn viết đẹp! Con không muốn viết xấu xí!"

"Ừ vậy chữ nào con thấy xấu, con tẩy đi viết lại được mà!"

(Khóc to hơn): "Nhưng con vẫn KHÔNG THỂ viết đẹp được!"

(A, cần chỉnh lại mindset cho con rồi đây!)


"Không phải vậy đâu Tin ạ! Con CHƯA viết đẹp được, chứ không phải là con KHÔNG THỂ viết đẹp được. Vì con thuận tay trái mới đổi qua viết tay phải nên chưa quen mà."

"Con có nhớ chú Sakuragi tóc đỏ (**) không? Ban đầu chú ấy chẳng biết gì về bóng rổ, còn tưởng bóng rổ là bóng đá ấy! Chú ấy đá quả bóng rổ làm cả hội trường cười bò nhỉ haha!"

(Bật cười khanh khách lặp lại): "Chú ấy cứ tưởng bóng rổ là bóng đá đấy!"


"Đúng rồi. Ban đầu là thế, chú ấy chơi bóng rổ rất tệ. Chú ấy không ném được bóng vào rổ. Chú ấy không hiểu luật chơi. Nhưng rồi chú ấy đã cố gắng ngày nào cũng kiên trì tập kỹ thuật cơ bản, tập ném bóng. Chú ấy đã ném đủ 20,000 lần trong vòng 1 tuần trước cuộc thi. Và thế là chú ấy trở thành ngôi sao bóng rồ đấy! Nếu con kiên trì giống như chú Sakuragi tóc đỏ, mỗi ngày con viết một chút, rồi dần dần chữ của con cũng sẽ đẹp."


Tin lắng nghe lời mẹ chăm chú. Kể từ hôm đó trở đi, mình thấy con đã bớt nỉ non. Dù có những chữ con tô còn khá là run rẩy nguệch ngoạc, Tin vẫn vui vẻ tẩy đi viết lại thay vì mếu máo khóc lóc như trước kia.


Sáng hôm qua mình đi tập Gym về, nghe bà nội Tin kể: Mới 6 giờ em bé đã ngủ dậy, chỉ hỏi "mẹ con đâu rồi ạ?" sau đó là tự giác ngồi vào bàn tập tô luôn.

Sáng hôm nay cũng vậy. Mình về tới nhà đã là 7 giờ sáng, thấy em bé mắt còn đầy ghèn vẫn đang cặm cụi viết bài. Chẳng cần ai thúc giục, chẳng cần ai nhắc nhở.


"Ôi sao em chăm chỉ thế? Hôm nay Chủ Nhật, mẹ đã dặn em cứ ngủ thêm đi mà."

" Vâng, con viết bài chăm chỉ. Mẹ thấy chữ “k” nào được 10 điểm?"

(Chỉ vào 2 chữ “k” trên vở): "Mẹ thấy chữ “k” này đẹp nhất luôn đấy, 10 điểm đấy. À cả chữ này nữa, cũng 10 điểm!"


"Mẹ có biết tại sao con lại viết bài chăm chỉ không?"

"Vì con muốn tích đủ điểm sticker để được mẹ cho đi chơi à?"

"KHÔNG PHẢI! VÌ CON MUỐN ĐƯỢC GIỐNG NHƯ CHÚ BÓNG RỔ!"

Chỉ một câu nói của em bé, lòng mình như nở rộ cả một vườn hoa xuân.


- - -

(*) Growth Mindset: Là lối tư duy với niềm tin rằng những khả năng và phẩm chất của con người có thể được phát triển và trau dồi thông qua sự tận tâm và làm việc chăm chỉ, trong khi trí tuệ và tài năng chỉ là điểm khởi đầu.

Ngược lại với Growth Mindset là Fixed Mindset.


(**) Sakuragi là một nhân vật trong bộ phim hoạt hình "Slam Dunk - Ngôi sao bóng rổ" mà gần đây hai mẹ con mình cùng xem.

30 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page