VẾT TRẦY VÀ CÂU CHUYỆN NGĂN TỦ “CẢM XÚC”
Đã cập nhật: 10 thg 6, 2022
Tác giả: Tôn Nữ Ngọc Hân
Sáng nay, bé Na ra vườn bị vấp ngã, trầy xước ở tay và chân. Tuy không nhiều lắm nhưng cô nàng khóc rất to khi bố mẹ lau vết xước và chấm thuốc. Càng cố đụng đến vết thương, bé càng khóc to hơn khiến cả nhà ai cũng bấn loạn vì tưởng chắc vết thương to lắm. Nếu là ngày trước, mình sẽ phản xạ vô thức quát con: “Khóc cái gì mà khóc, trầy có tí xíu mà khóc cái gì, có im ngay không.”
Bạn có từng trải qua tình huống như tôi vừa kể? Nếu có xin hãy dừng lại chút để cùng nói chuyện về những Ngăn tủ "Trải nghiệm cảm xúc" trong não bộ của chúng ta.
Thực ra, tiếng khóc khi con bị trầy xước là kết quả của một quá trình tiếp nhận - phản ứng bình thường của não bộ với những kích thích.
Khi con bị trầy xước, kích thích từ các tế bào dưới da truyền cảm giác đau về não bộ. Trước khi đến với vùng xử lý phản ứng trong não bộ, kích thích này sẽ đi qua một nơi rất quan trọng, lưu trữ thông tin cảm xúc là hệ viền. Hệ viền có 2 bộ phận đóng vai trò chính trong việc xử lý cảm xúc:
Hồi hải mã: giúp lưu giữ, chuyển các ký ức ngắn hạn thành dài hạn và lấy lại ký ức.
Hạch hạnh nhân: giúp cơ thể tạo ra một loạt các phản ứng khác nhau với các sự vật, hiện tượng trong môi trường sống, đặc biệt là các tình huống gây kích thích cảm xúc mãnh liệt. Nó có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nỗi sợ và tức giận.
Nói nôm na thì đây chính là CÁI TỦ có các ngăn tủ nhỏ, chứa đựng ký ức được ghi nhận và học hỏi trong quá trình xử lý cảm xúc.
Quay lại câu chuyện vết trầy của bé Na, nếu cha mẹ la mắng thay vì xoa dịu con khi con khóc vì đau, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến hành vi sau này của con như thế nào?
Nếu tôi nổi xung lên và quát con “im ngay” thì con sẽ ngưng khóc trong sợ hãi. Không phải vì không còn cảm thấy đau mà vì con nhận thức rằng: khóc khi đau là SAI. Hạch hạnh nhân sẽ ghi nhận lại tình huống này vào một ngăn tủ tại hồi hải mã, giống như những tờ giấy ghi chú vàng chóe ghi "đau mà khóc là không thể chấp nhận được", "mình không được khóc khi cơ thể đau".
Và sau đó, khi bé chơi đùa cùng em trai nếu thấy em ngã đau rồi khóc, lập tức phản xạ của bé được lấy ra để xử lý tình huống này là hành vi quát lớn lại: “IM NGAY, khóc gì mà khóc.” chứ không phải là xoa dịu hay đỡ em đứng dậy. Tại sao lại như thế? Đó là vì bé không được học về cách CHẤP NHẬN CẢM XÚC của chính mình khi đau đớn nên không thể đồng cảm với cái đau của người khác.
Việc bị từ chối cảm xúc ảnh hưởng thế nào đến quan hệ xã hội của bé sau này?
Khi cảm xúc của trẻ bị chối bỏ, con sẽ nhận thức rằng cơ thể của mình bị đau mà bố mẹ không thương mà còn mắng mỏ, đồng nghĩa là "mình là đứa bỏ đi". Những suy nghĩ tiêu cực đó sẽ được ghi dấu tại vùng vỏ não trước trán (thùy trán) - nơi có trách nhiệm kiểm soát cảm xúc khi ra quyết định trong cuộc sống. Điều đó về lâu dài sẽ khiến bé mất dần kết nối yêu thương và cảm giác thuộc về trong gia đình, với bố mẹ, có xu hướng đánh giá thấp bản thân mình trong một các mối quan hệ khác sau này. (Học thuyết Gắn Bó - John Bowlby)
Để dễ hiểu hơn, mình trích lại câu chia sẻ của cô Hoàng Minh Tố Nga - Tiến sĩ về Đo lường Định lượng trong Tâm lý và Giáo dục như sau:
"Đứa trẻ bị đánh, bị ăn hiếp cả thời thơ ấu có khuynh hướng không tin mình có thể nói lên lời phản kháng trước sự ngược đãi mà không bị hậu quả tiêu cực đè bẹp. Đứa trẻ học cảm giác bất lực thuở ấu thơ và hành xử như thể mình vẫn luôn bất lực, dù bây giờ nó đã lớn khôn và có thể sải cánh trên nẻo đường vạn dặm."
Vậy, người mẹ là tôi của ngày hôm nay đã chọn cách giải quyết khác với ngày hôm qua như thế nào?
Tôi chọn cách ngồi cạnh bé, nghe con khóc, xoa nhẹ quanh vết thương, chấp nhận cảm giác đau của con "Chắc con đau nhiều lắm nhỉ". Tôi cũng lắng nghe những lo lắng hết sức dễ thương của bé "Con lo quá, đau tay thế này thì sao chiều con học online được", " Khi con học, con phải dùng tay trái để đè lên giấy, mà nó đau vậy, sao con làm được"
Nhưng chỉ ít phút, cô nàng bé bỏng của tôi đã lấy lại được cân bằng cảm xúc, vui vẻ quay lại cuộc chơi dang dở của mình và quên đi vết trầy từng có vẻ rất đau.
Tôi đã chọn cách dán vào “ngăn tủ cảm xúc” của con những tờ giấy ghi chú màu hồng thắm, trên đó ghi: “Khóc khi mình bị đau là hoàn toàn bình thường”, “Mình được yêu thương”, “Mình được chấp nhận cảm xúc của mình dù lần này có vẻ hành động chưa phù hợp lắm, lần sau mình sẽ điều chỉnh lại”.
Vết trầy trên tay con có thể tan nhanh chỉ vài ngày sau đó, nhưng “vết trầy” trong cảm xúc thì vẫn còn trong bộ não của con mãi nếu bản thân cha mẹ không điều chỉnh được cảm xúc của chính mình khi phải đối mặt với những hành vi chưa phù hợp, những cảm xúc tiêu cực của con. Trẻ có xu hướng học tập rất nhanh cách phản ứng của cha mẹ và cho đó là cách làm đúng đắn nhất (Học thuyết Học tập xã hội của Bandura).
Hãy luôn cẩn trọng và yêu thương trong cách trò chuyện cùng con vì bộ não thơ ngây của con trẻ sẽ định hình nhân cách, ý thức, những con đường cảm xúc theo cách mà con tương tác với chúng ta.