Nếu bạn đang đau đầu vì việc học hành của con, hãy đọc bài này!
Bài đăng của thành viên Ngoc Bao Tra My trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Tháng 9, khi các con bắt đầu vào năm học mới, bên cạnh những tấm ảnh rạng rỡ niềm vui cùng con đến trường, mình lại đọc được rất nhiều câu hỏi của bố mẹ, đặc biệt ở lứa tuổi khi còn bắt đầu vào lớp 1:
Làm sao để dạy con đánh vần nhanh thuộc, nhanh nhớ mặt chữ?
Làm sao để con tập trung khi học, tự giác làm bài tập? Con ngồi học một tí kêu mỏi tay, buồn đi vệ sinh, đi uống nước….
Làm sao để giữ bình tĩnh khi dạy con mà không phải la hét, giận dữ, thậm chí bố mẹ cãi nhau vì dạy con học?
Những câu hỏi này làm mình nhớ lại thời gian cách đây vài năm, khi mình bắt đầu cho Bảo Nhi đi học mầm non. Dù mẹ đã chuẩn bị tâm lý trước rất lâu, cho đến trường tham quan, được chơi cầu trượt, ngắm lớp nhiều đồ trang trí đẹp và bạn thích lắm, nhưng Nhi vẫn khóc khi đi lớp. Cứ đưa đến cổng là con đòi về, thậm chí sáng ngủ dậy đã khóc bảo mẹ con không đi học đâu.
Mình phải làm công tác tư tưởng rất lâu: đọc sách, kể chuyện đến trường cho bạn nghe mỗi tối đi ngủ, để bạn tưởng tượng ra đi học mầm non sẽ được những thứ gì mới hay ho, đi học về mẹ dành nhiều thời gian để hỏi han, trò chuyện, qua những câu chuyện bạn kể không đầu không cuối mới biết được cảm xúc trong ngày của bạn như thế nào. Đó là niềm an ủi duy nhất đối với đứa trẻ mới lần đầu xa bố mẹ lâu trong ngày. Tối được vỗ về, chắc chắn con sẽ yên tâm mà đi tiếp.
Nhưng thường thì bố mẹ ngày nay quá bận việc và thường mặc định mình đã đi làm kiếm tiền, con thì chỉ có mỗi việc học và chơi, có gì đâu mà phải lo lắng hay cần giải tỏa cảm xúc.
Thế nhưng bạn có biết rằng đã có nhiều trường hợp bé bị trầm cảm dù cả ngảy chỉ có ăn, chơi, ngủ?
Mặt khác, con cái mất kết nối với cha mẹ, tẩy chay đến trường, hoặc học trong tâm thế đi cho có, nghịch ngơm, không làm bài tập về nhà.
Bảo Nhi thuộc tuýp nhạy cảm. Bất cứ thay đổi môi trường nào cũng khiến con lo lắng từ lúc được thông báo trước cho đến khi nó thực sự xảy ra. Việc chuẩn bị lên lớp 1 cũng vậy. Mẹ đã lờ mờ đoán được điều đó khi bạn hỏi: “Mẹ ơi, cô giáo lớp 1 có dễ tính không? Cô có nhắc nhở nhẹ nhàng không?”
Nghe là mẹ đã biết bạn đang lo lắng khi thay đổi môi trường. Thường thì khi mới bắt đầu đi học lớp 1, mình hay nhận thấy có mấy nguyên nhân mà ít khi phụ huynh để ý tới nhưng lại ngấm ngầm khiến con không hợp tác khi đi học:
Trước đó con được chơi thoải mái tự do, không có bước làm quen với sách như: đọc sách, tìm tòi sáng tạo qua các hoạt động vui chơi bổ ích có định hướng để trẻ nâng cao khả năng tự sáng tạo và tìm tòi. Có tìm tòi chúng mới cảm thấy yêu thích đi học hỏi cái mới mà chúng chưa biết. Lứa tuổi nhỏ không rèn, đến lúc lớn đi học vừa rèn vấn đề không tập trung, vừa kèm thêm nhiều vấn đề phát sinh của lứa tuổi, phụ huynh sẽ tự cảm thấy áp lực nhiều việc cần phải rèn, mà sao mà nhắc mãi không nhớ, càng nhắc con càng phớt lờ coi như không nghe thấy, không hợp tác, có bị nhắc nhiều thì làm cho qua loa, chống đối. Thói quen đã hình thành từ lúc nhỏ, thời gian tính bằng năm, nhưng bây giờ lại phải thay đổi trong thời gian ngắn. Thực chất là chúng ta chưa cho con đủ thời gian để thích nghi, nên con phản ứng lại là chuyện bình thường.
Việc thay đổi môi trường khiến con lo lắng: đó đơn giản chỉ là không còn được chơi với bạn thân mẫu giáo, phải làm quen với cô giáo mới,... Con cảm thấy ra khỏi nơi quen thuộc nghĩa là mất an toàn.
Thường bố mẹ hay ông bà có lúc vô tình kể những câu chuyện tương lai: đi học không làm bài tập thì sẽ bị cô phạt, chạy lung tung cô bắt đứng góc, hoặc học dốt sau này đi hót phân,... Tất cả những câu nói như vậy khiến trẻ đi học trong nỗi sợ. Chưa làm đã sợ sai, sợ mình viết chưa đẹp, sợ bị cô mắng,... học trong tâm thế đó thì sao trẻ có thể tiến bộ được?
Khi đi học được vài hôm, con có thể thấy thích môi trường mới: trường nấu ăn ngon hơn trường cũ, lớp đẹp hơn,... Rồi đến khi con nhận ra: lên lớp 1 phải làm bài tập, phải tập viết nhiều mỏi tay, hay đơn giản là những thú vui ban đầu đã khiến bạn ấy không còn thích nữa. Từ đó, buổi sáng rất khó gọi con dậy vì con không hào hứng đi học.
Và câu chuyện của bố mẹ chúng ta khi ấy sẽ như nào nhỉ?
Mình cũng đã từng áp lực thời gian: vì vội mà giục giã con. Mình đi làm về muộn, cơm nước xong muộn nên giục con hoàn thành bài tập nhanh còn đi ngủ mai kịp dậy sớm đi học. Mình nhớ như in gương mặt khó chịu của con khi nghe mẹ cứ nhắc liên tục về thời gian.
Những người mà mình biết cũng đã trải qua nhiều ngày ngồi kè kè bên cạnh khi con học. Đa số các con mới đi học thì viết nắn nót chậm, tính toán lâu. Bố mẹ ngồi bên hay nóng ruột nên lao vào giúp, và những câu hỏi liên tiếp được đặt ra: “Bài này làm như thế nào? Kết quả bằng mấy, điền vào… Viết nhanh cái tay lên!” Lúc nào con học là to tiếng, thậm chí bố không chịu nổi bỏ đấy mặc kệ, mẹ tức lên lại nhảy vào dạy tiếp, đứa trẻ ngồi học nước mắt ngắn dài.
Có trường hợp khác, vì bận công việc, thả cho con tự phải làm bài tập, rồi bố mẹ là kiểm soát viên. Không hoàn thành không cho đi ngủ. Bố mẹ luôn dùng tấm gương học tập của mình để nhắc nhở con. “Bài dễ thế này mà không làm được à?” Thậm chí có bố mẹ dùng từ ngữ nặng nề để chỉ trích đứa trẻ. Khi đó, trẻ sẽ hiểu rằng: “Mình không đủ giỏi, chẳng làm được gì nên hồn.” Và nếu có như thế những lần sau, có kết quả bài kiểm tra hay gặp bài tập nào khó, trẻ giấu nhẹm đi, chẳng chia sẻ hay hỏi nữa, vì biết thái độ của người lớn sẽ như thế nào rồi.
Bạn có từng nghe những điều này?
“Ngày xưa các cụ cũng dạy bằng đòn roi, khóa cửa cấm đoán này nọ mà chúng tôi vẫn học giỏi, thành đạt như ngày hôm nay. Tại sao bây giờ đánh, mắng, cấm đoán lại bị chỉ trích?”
“Con nhà tôi không chịu học. Nói nhiều lần không được, tôi dọa rằng không hoàn thành bài tập thì cô phạt, không đi học sau này dốt thì đi chăn bò... Nó vẫn sợ, đi học bình thường đấy thôi. Chẳng thấy có vấn đề gì cả. Thậm chí ở nhà là tự giác học bài.”
Nhưng liệu có khi nào mẹ nghe tiếng con thở dài, vì con bị mệt, bị căng thẳng, chính con cũng đang áp lực cho bản thân mình, vì con sợ mình không đủ tốt nhưng dường như bố mẹ không hề quan tâm tới cảm xúc của con chút nào.
Họ nghĩ là mình làm đúng vì thường người ta sẽ tin vào cái mà mình nhìn thấy kết quả ngay tức khắc: khi quát mắng, trẻ sẽ im lặng, sợ hãi mà làm theo. Nhưng họ không nhìn được ở lớp trẻ sẽ học với tâm thế như thế nào, trẻ có tự tin thể hiện mình hay không, có sáng tạo hay sẽ bị thui chột mất niềm vui, sự yêu thích đáng có của trẻ đối với việc học. Khi đó học trở thành nghĩa vụ, thành niềm tự hào và mong muốn của cha mẹ, không phải của chính đứa trẻ.
Có ai dám chắc chắn được: những đứa trẻ chịu áp lực từ nhỏ thì sau này nó được sống và làm theo đúng những gì mình muốn, phát huy hết khả năng của mình? Hay rồi nó sẽ chỉ đi học để có một nghề ổn định? Và khi bất kì biến cố nào đó xảy ra, bản thân chúng có thể tự tin vượt qua áp lực công việc, thay vì lo lắng, sợ hãi, và trốn tránh như chúng đã từng khi còn nhỏ? Thói quen đó chắc chắn sẽ theo chúng cho đến khi lớn. Khi ra đời, nhìn thấy người khác hoạt bát, nhanh nhạy, chúng thèm muốn mà không thay đổi ngay tức khắc được.
“Nếu trí óc của trẻ tràn ngập nỗi sợ hãi, căng thẳng, thì không thể nào có chỗ cho sự sáng tạo xen vào.” Cứ như vậy, đứa trẻ cảm thấy cô đơn trong chính gia đình, trên chính con đường học tập và trải nghiệm cuộc sống của nó.
Sau này trong số những đứa trẻ đó, sẽ có một số trẻ lớn lên cố gắng tự chữa lành được cho mình. Nhưng cũng có những người, vì chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ nhỏ, mà vô tình cứ như thế vận dụng trong tiềm thức đối với con cái. Cuộc sống và công việc của họ sẽ mãi bị lẩn quẩn trong nỗi băn khoăn: “Mình đã thực sự làm đúng năng lực, đúng sở trường của mình chưa, mình đã sáng tạo hết khả năng chưa?”
Không ai sinh ra có quyền lựa chọn bố mẹ, lựa chọn điều kiện hoàn cảnh gia đình. Từ nhỏ đến lớn tất cả mọi thứ của con đều là do bố mẹ tạo ra, nuôi dưỡng tâm hồn, gợi mở ra thế giới quan trong tâm trí đứa trẻ. Chúng nhạy cảm, suy nghĩ nhiều hơn người lớn ta tưởng. Chỉ cần bố mẹ để ý, quan sát sẽ biết: ánh mắt long lanh của chúng mỗi khi được bố mẹ đọc sách, chơi đồ chơi với chúng, dù trò chơi của chúng đối với ta chẳng có gì thú vị.
Nếu bố mẹ chịu kiên nhẫn dừng cái sự vội vàng, đặt cái tôi của mình sang một bên, thì sẽ có lúc bạn chợt thấy môn vẽ mà con yêu thích kể ra cũng thú vị, ngồi xem và nghe trẻ kể tỉ mỉ một cách đầy tự hào. Chính những khi ấy, con hiểu ra bố mẹ cũng dành nhiều tình cảm, sự quan tâm cho mình lắm. Không hẳn cứ phải theo môn học nhảy, tin học, hay học đàn mới gọi là theo kịp thời đại. Không phải cứ ngoại ngữ này ngoại ngữ kia mới được gọi là giỏi.
“Mọi thứ đáng giá đều cần thời gian”
Tất cả mọi việc, dù là duy trì sự gắn kết tình cảm, hay rèn thói quen nề nếp học tập cho trẻ khi đi học, đều là cả một quá trình gian nan, nghe thì có vẻ dài dòng, nhưng chủ yếu điều quan trọng nhất vẫn cần cái nhẫn, tình yêu thương, tâm an và thực sự thấu hiểu của bố mẹ. Nghĩ đơn thuần như đúng bản chất của những đứa trẻ, và cho chúng cơ hội là chính mình. Vì chắc chắn mỗi đứa trẻ sinh ra đều thuần khiết, đáng yêu và đáng được bảo vệ.