top of page

Vượt qua những ngày đầu tiên đi học đầy nước mắt

Cánh cửa căn phòng đóng lại, trong tai mình chỉ còn lùng bùng vài từ tiếng Pháp của các cô và tiếng gọi “Maman…Maman…” thảm thiết.


“An đã gọi mẹ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, vậy mà dường như mẹ không nghe thấy gì” – chắc hẳn con đã nghĩ vậy.


Đó là những dòng chia sẻ đầy xót xa của chị Chi, một người bạn của tôi, trong ngày đầu đưa con đi học.


Khi đọc những dòng viết ấy, cảm giác xót xa xâm chiếm trái tim tôi, nguyên vẹn như những ngày đầu tôi đưa con đi lớp. Dẫu đã chọn trường tốt nhất, đã chuẩn bị tinh thần cho con thật kỹ, nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì chưa ổn khi mỗi ngày phải đối diện với tiếng khóc đòi mẹ, đòi về ở cửa lớp.


Tôi tự hỏi: Mình có tàn nhẫn với con quá không? Con có bị tổn thương không khi mình cứ quay lưng mà đi như vậy? Mình có đang làm sai điều gì không? Bao giờ con sẽ quen đây?


Tôi của khi ấy chắc không tưởng tượng được rằng, khi ngồi viết những dòng này, mọi việc đều đã khác. Tôi đã bình tâm trở lại còn em bé của tôi đã trở nên độc lập, vui vẻ đến lớp hằng ngày.


Nếu bạn cũng đang trải qua những ngày đầu tiên con đi học đầy nước mắt, thì đây là bài viết dành cho bạn. Thông qua bài viết, bạn sẽ học cách đối diện với cảm xúc của chính mình, ứng xử với những biểu hiện của con để cả hai cùng nhau vượt qua cột mốc lớn lao này.


Bụt hiện lên hỏi: “Vì sao con khóc?”


Muốn có một tâm thế bình ổn và những bước đi đúng, trước hết bạn cần hiểu vì sao con khóc lóc khi mới đi mẫu giáo.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do hội chứng lo lắng xa cách (separation anxiety).


Lo lắng xa cách là là biểu hiện hay gặp ở trẻ nhỏ khi con không muốn phải xa người chăm sóc gần gũi nhất, thường là cha mẹ.


Tuy những biểu hiện này có thể gây phiền hà, mệt mỏi cho người lớn chúng ta, nhưng lại là biểu hiện bình thường, thậm chí còn có những tác dụng nhất định:


Thứ nhất, lo lắng xa cách là một cơ chế sinh tồn tự nhiên được lập trình trong não bộ của trẻ: khi còn non nớt và yếu đuối, trẻ sẽ luôn cần ở bên cha mẹ để được bảo vệ. Khi phải rời xa cha mẹ, não bộ của trẻ sẽ đánh giá đây là tình trạng thiếu an toàn, dẫn đến việc trẻ lo sợ, khóc lóc, bám dính.


Thứ hai, lo lắng xa cách cho thấy trẻ đang phát triển tính độc lập và cảm giác an toàn.


  • Tính độc lập thể hiện ở việc con hiểu rằng mình là một cá thể tách biệt với cha mẹ, cho nên cha mẹ có thể sẽ không ở cạnh mình.


  • Cảm giác an toàn thể hiện ở sự kết nối giữa con và cha mẹ rất bền chặt, con có cảm giác an toàn khi ở cạnh cha mẹ và sẽ lo lắng khi không ở cạnh.


Như vậy, bạn cần hiểu rằng việc con khóc lóc, phản kháng trong ngày đầu đi lớp là biểu hiện hết sức bình thường và hoàn toàn khỏe mạnh. Hiểu biết này sẽ giúp bình tâm lại, mở lòng ra đón nhận mọi biểu hiện của con trong những ngày đầu đi học.


Bạn hãy chuẩn bị để đón nhận những giọt nước mắt, những tiếng khóc xé ruột gan, những bàn tay nhỏ bé nhoài theo bạn nơi cửa lớp.


Để mỗi lần đưa con đi học không còn là nỗi kinh hoàng


Trước tiên, hãy quay về với cảm xúc của chính mình


Tôi vẫn nhớ như in một buổi trưa tháng Bảy khi con tôi mới đi học mẫu giáo được khoảng một tuần. Giữa giờ nghỉ trưa ở cơ quan, trời bất chợt sầm sì rồi mưa như trút nước. Tôi ngồi nghe tiếng mưa ầm ầm ngoài cửa sổ, xót xa nghĩ đến em bé hai tuổi đang ở lớp. Hôm nay đi học, con còn khóc nhiều không? Giờ này ở lớp, không biết con đã ngủ chưa hay vẫn thức vì nhớ mẹ, nhớ nhà?


Những ngày đầu con đi học có thể mang lại cho bạn nhiều cảm xúc hỗn độn: niềm hứng khởi khi con bước vào một chương mới trong đời, niềm tự hào vì mình đã nuôi con lớn đến chừng này, nỗi lo vì con còn lạ lẫm và khóc lóc, nỗi nhớ con đến nôn nao.


Cô giáo và các bạn có đối xử tốt với con không?

Con có biết gọi cô khi buồn đi vệ sinh không?

Con có ăn được, có ngủ được không?

Con có mệt vì khóc nhiều quá không?

Rồi thì có những người mẹ còn tự hỏi:

Sao con lớn nhanh thế nhỉ? Mới ngày nào còn ẵm ngửa…

Mình sẽ làm gì bây giờ đây, khi có thời gian cho riêng mình?


Hãy hít một hơi thật sâu và quan sát tất cả những cảm xúc, lo lắng ấy. Bản năng người mẹ được lập trình trong từng tế bào cơ thể vẫn mách bảo chúng ta phải luôn ở bên để bảo vệ con mình. Vậy nên những cảm xúc mà bạn trải qua là hết sức tự nhiên. Hãy mở lòng ra và đón nhận, thậm chí ghi những băn khoăn ấy ra giấy để chúng hiện hữu trước mặt mình.


Hãy nhìn thẳng vào cảm xúc của bản thân và không phán xét. Chúng không tốt cũng chẳng xấu, và bạn được quyền có những cảm xúc của riêng mình.


Khi nhìn lại một ngày nào đó, bạn sẽ mỉm cười nhận ra đó thực sự là một trải nghiệm hạnh phúc. Bởi vì, nó cho bạn biết mình đã yêu thương một ai đó nhiều như thế nào, đã khổ sở thế nào khi phải rời xa.


Cuối cùng, khi những cảm xúc này qua đi, thì sâu tận bên trong, bạn sẽ biết rằng đây là điều tốt nhất cho con và cả chính mình nữa. Hãy nhắc mình rằng bạn không thể ở bên con mãi mãi, và dù bây giờ con chưa quen, nhưng một thời gian nữa con sẽ được niềm vui khi đi học.


Còn bạn nữa, bây giờ thì bạn đã có thêm một chút thời gian cho bản thân sau vài năm dành trọn cho con. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất: nghe một bản nhạc, đọc một quyển sách, xem một bộ phim - hay đơn giản là dành 30 phút đồng hồ để tắm rửa mà không có ai đập cửa đòi vào. Giờ là lúc để bạn yêu thương chính mình thêm một chút.


Những nguyên tắc phải nhớ khi nói lời tạm biệt


Để xoa dịu một đứa trẻ trong tình trạng lo lắng xa cách, cần giúp con hiểu được rằng:


  • Việc xa bố mẹ là điều không thể tránh khỏi, và con phải làm quen với điều đó


  • Việc xa cách chỉ là tạm thời, bố mẹ đi rồi sẽ trở lại.


  • Trong lúc không ở bên bố mẹ, con vẫn được ở nơi an toàn với những người yêu thương con.


Việc làm quen này cần có thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn của bạn. Để giúp con làm được điều này, hãy tuân thủ những nguyên tắc sau:


Nguyên tắc số 1: Giữ thái độ bình tĩnh, tích cực, tin tưởng vào cô giáo

Đầu tiên, bạn hãy nhớ rằng trẻ rất nhạy cảm với cảm xúc của cha mẹ. Cảm xúc thì rất dễ lây lan: khi con cảm nhận được sự lo lắng của bạn thì con cũng sẽ lo lắng theo. Hãy cho con thấy rằng việc đến trường là một việc vui vẻ, trường học là một nơi an toàn và cô giáo là người con có thể tin tưởng, yêu thương. Đây chính là bước đầu tiên để gây dựng cảm giác an toàn ở trẻ.


Một số điều cần nhớ để giữ không khí tích cực:


  • Cho con ngủ sớm từ tối hôm trước, rồi dậy sớm để con có nhiều thời gian chuẩn bị, thong thả và bình tĩnh hơn trước khi đi học.


  • Dù đã cho con đến trường làm quen từ trước đó, nhưng trong ngày đầu tiên đi học, bạn vẫn nên sắp xếp để ở lớp cùng con thêm một lúc nếu có thể. Hãy xin phép cô giáo để bạn đưa con vào thăm lớp, ngồi một góc xem con chơi với các bạn. Lúc này, bạn không tương tác với con mà chỉ ở đó để con yên tâm tương tác với môi trường mới. Khi thấy con bắt đầu thoải mái hơn thì bạn hãy tạm biệt con và ra về.


  • Đừng mặc định rằng con sẽ không thích đi học, sẽ lo lắng khi không có mẹ ở bên. Tránh “mớm” cho con những câu hỏi như: “Hôm nay là ngày đầu tiên đi học, con có cảm thấy lo lắng không?” Thay vào đó, hãy nói với con về những điều thú vị con sẽ được làm ở trường.


  • Cố gắng không tỏ ra lo lắng hay rơi nước mắt trước mặt con. Sau khi rời khỏi lớp, bạn có thể khóc bao nhiêu cũng được. Nhưng hãy cố giữ bình tĩnh và mỉm cười thật tươi với con khi chào tạm biệt.


Nguyên tắc số 2: Trực tiếp, ngắn gọn và dứt khoát

Thật chẳng dễ gì mà “dứt áo ra đi” khi con đang khóc, nhưng hãy biết rằng điều tốt nhất bạn có thể làm cho con lúc này là: nói lời tạm biệt thật ngắn gọn, vui vẻ và rời đi ngay lập tức.


  • Tuyệt đối không “lén lút” bỏ đi! Vì sợ phải đối mặt với tiếng khóc của con mà nhiều người chọn cách này. Nhưng khi chợt nhận ra cha mẹ bỗng dưng biến mất, con còn sợ hãi và mất lòng tin hơn. Cách tốt nhất là nhìn vào mắt còn và nói tạm biệt, sau đó ra về.


  • Biến lời tạm biệt thành một thói quen: Bạn hãy nghĩ ra một cách nói lời tạm biệt thật vui vẻ, và lặp đi lặp lại hằng ngày. Sự lặp đi lặp lại sẽ dần hình thành thói quen, báo cho con biết điều tiếp theo sẽ là gì. Ví dụ, ngày nào cũng vậy, bạn có thể thơm con vào lòng bàn tay và nói: “Bye con nhé, con giữ cái thơm của mẹ ở đây đến khi mẹ đón nhé”. Cứ như vậy một ngày, hai ngày, một tuần, rồi một tháng. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy, sẽ đến một ngày con mỉm cười khi nói lời tạm biệt.


  • Ra về ngay lập tức và không quay lại giữa chừng. Khi thấy con khóc thảm thiết quá, bạn rất dễ sốt ruột rồi dùng dằng ở lại để dỗ dành con. Nhưng làm như vậy, bạn đang tạo cho con ấn tượng rằng trường học có gì không tốt và càng kéo dài “nỗi đau” của con. Hãy tin tưởng vào kinh nghiệm và sự tận tình của cô giáo. Cô sẽ dỗ dành và giúp con bình tâm trở lại. Nếu muốn cập nhật tình hình của con, bạn có thể gọi điện cho cô giáo sau đó. Sau lời tạm biệt vui vẻ, hãy dứt khoát ra về và không quay trở lại cho tới giờ đón con.


Nguyên tắc số 3: Luôn đến đón đúng giờ đã hẹn

Để giúp con dần chấp nhận việc chia cách, bạn cần cho con thấy rằng việc xa cách chỉ là tạm thời và bạn sẽ luôn quay lại đúng như lời hẹn. Trong vài ngày đầu tiên, bạn có thể đến đón con sớm hơn một chút rồi tăng dần thời gian ở lớp ở những ngày sau đó.


Một điều quan trọng nữa là khi đón con, hãy nói: “Con thấy không, sau khi con học xong, mẹ lại đến đón con rồi này. Sáng con tạm biệt mẹ, vào lớp học với cô và các bạn, xong chiều mẹ lại đến đón con về nhà.” Đây là cách để nhấn mạnh rằng bạn đã quay lại đúng lời hứa, tạo sự tin tưởng cho con cũng như giúp con bớt lo sợ khi nói lời tạm biệt, vì con biết cha mẹ sẽ còn quay lại.


Thời gian con ở nhà cũng vô cùng quan trọng


Hết sức kiên nhẫn với những biểu hiện tiêu cực


Ngoài việc khóc lóc khi tạm biệt cha mẹ ở lớp, lo lắng xa cách còn thể hiện ở những điểm khác như bám mẹ khi ở nhà, ngủ không sâu và khóc đêm, không muốn mặc quần áo vào buổi sáng, không chịu nói chuyện với cô giáo ở trường,... Có những trẻ đã bỏ bỉm đêm, khi đi học đột nhiên lại tè dầm khi ngủ. Hoặc có thể con đã tự biết đi giày, mặc quần áo nhưng đột nhiên lại không chịu tự mặc, nằng nặc đòi mẹ giúp. Như với bé Bia, con trai tôi, thì con rất khó chịu khi mẹ thay quần áo, khóc váng lên khi có ai động vào người.


Khi con có những biểu hiện như vậy, bạn hãy kiên nhẫn với con thêm một chút. Đừng lo lắng rằng nếu mình nhượng bộ con quá, con có thể sinh hư. Thực tế thì con đang trải qua một trong những thay đổi quan trọng nhất cuộc đời, và con cần rất nhiều sự cảm thông, hỗ trợ từ cha mẹ. Khi dần ổn định, con sẽ nhanh chóng trở lại là em bé ôn hòa như trước.


Duy trì lịch trình sinh hoạt ổn định


Tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng trẻ em cần một lịch trình sinh hoạt ổn định. Sự lặp đi lặp lại của các hoạt động hằng ngày có thể khiến một người lớn như chúng ta cảm thấy nhàm chán, nhưng với trẻ, nó là rất cần thiết để tạo cho con cảm giác an toàn. Đặc biệt, trong những thời gian con phải đối mặt với những thay đổi lớn như khi bắt đầu đi mẫu giáo, bạn nên hạn chế tối đa những xáo trộn và kích thích trong thời gian con ở nhà. Hãy đảm bảo con được ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc để giữ cân bằng.

Dành cho con sự lắng nghe và thật nhiều ôm ấp yêu thương


Ở trên, tôi có khuyên bạn nên tỏ ra vui vẻ và tích cực khi đưa con đi học. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên phủ nhận mọi lo lắng của con. Khi về nhà, hãy dành thời gian để lắng nghe những lo lắng, trả lời những câu hỏi của con về trường mẫu giáo.


Trong câu chuyện với con, hãy nhớ nhấn mạnh rằng:


  • Con được quyền cảm thấy hạnh phúc hay buồn bã, tự tin hay lo sợ,...


  • Ai cũng có thể cảm thấy sợ hãi khi đối diện với cái mới. Để giúp con tự tin hơn, bạn có thể kể về một lần bạn đối diện với thay đổi nào đó và bạn đã sợ hãi như thế nào.


  • Gợi ý cho con cách để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, nếu con nói đi học sẽ nhớ mẹ, con có thể mang theo tấm ảnh gia đình để mang ra ngắm cho đỡ nhớ.


Và sau một ngày dài đầy căng thẳng ở trường, bạn hãy dành cho con thật nhiều ôm ấp yêu thương để bù lại khoảng thời gian xa cách nhé. Đó chính là cách để giúp con sạc lại năng lượng tinh thần và tiếp tục kiên cường trải qua quãng thời gian “sóng gió”.


Lời kết


“Making the decision to have a child — it's momentous. It is to decide forever to have your heart go walking around outside your body

(Quyết định có con - đó thực sự là một bước ngoặt cuộc đời. Từ đó, bạn sẽ mãi mãi sống với trái tim ở bên ngoài cơ thể.)

Elizabeth Stone


Làm mẹ là sống với trái tim ở bên ngoài cơ thể - chưa bao giờ tôi nhận thức rõ ràng điều này đến thế cho tới ngày đầu tiên đưa con đi lớp. Sau biết bao nhiêu ngày bế bồng, ôm ấp, cái cảm giác phải lìa xa mỗi sáng trong đầm đìa nước mắt, thật khiến lòng người mẹ phải héo hon. Nhưng sau tất cả, bạn hãy nhớ rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn, biến động trong đời mà con phải trải qua. Việc của những người cha, người mẹ như chúng ta là giữ cho tâm mình đủ an để đồng hành và hỗ trợ con trước cột mốc này.


Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ với bạn rằng không phải cha mẹ nào cũng có thời gian và điều kiện để làm theo mọi lời khuyên trong bài viết trên đây. Hãy làm những gì tốt nhất mà bạn có thể làm - và như thế đã là quá đủ!


Thu Thủy


62 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page