top of page

Vứt "mẹ" hết mấy phương pháp nuôi con khoa học đi?

1. Người ta hay bảo nhau là: “Ngậm ti giả nhiều gây hô răng, sún răng”. Một nhóm khác lại bảo không phải thế, nếu hành động mút của trẻ gây hô thì ti giả hay ti thật cũng hô. Hai bên cãi nhau mãi chẳng có điểm dừng. Ai cũng có luận điểm sắc bén củng cố cho niềm tin của mình.


Nhưng ít ai nói rằng hô thì đã có niềng răng. Ít ai nói rằng việc trẻ bị khủng hoảng tâm lý vì cai ti giả không đúng cách (kiểu đến tuổi ép phải cai chẳng hạn) khiến trẻ chịu nhiều chấn thương hơn là hô vài cái răng. Cũng ít ai nói rằng không có ti giả trấn an thì dần dần trẻ cũng học được các cách trấn an khác. Có dùng ti giả hay không thực chất cũng chẳng sao, quan trọng là trẻ thấy an toàn và hạnh phúc.



2. Người ta hay bảo nhau là: “EASY và luyện tự ngủ là những phương pháp máu lạnh, không có tình người, bỏ rơi con để nhàn cho mẹ.” Một số khác lại bảo không phải thế, EASY hay tự ngủ đều là những phương pháp nương theo con, mẹ còng lưng hỗ trợ chứ không hề nhàn. Hai bên cãi nhau mãi chẳng có điểm dừng. Ai cũng có luận điểm sắc bén củng cố cho niềm tin của mình.


Nhưng ít ai nói rằng dù theo EASY hay không, luyện tự ngủ hay không thì tinh thần người mẹ mới là thứ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ. Ít ai nói rằng nếu mẹ trầm uất, căng thẳng thì dù nuôi con thành công theo phương pháp nào, trẻ vẫn sẽ không hạnh phúc.



3. Người ta hay bảo nhau rằng: ”Không có ai là không đủ sữa mẹ cho con, trừ khi bản thân họ không cố gắng vì điều đó. Sữa công thức là sữa thú, chỉ có thú mới nuôi con bằng sữa thú.” Một số khác lại bảo không phải thế, rất nhiều người mẹ dù cố gắng đến đâu cũng không thể đủ sữa cho con. Hai bên cãi nhau mãi chẳng có điểm dừng. Ai cũng có luận điểm sắc bén củng cố cho niềm tin của mình.


Nhưng ít ai nói rằng sữa mẹ đúng là tốt thật, nhưng nó phải được tiết ra từ một người mẹ hạnh phúc. Ít ai nói rằng sữa công thức dù không bằng sữa mẹ nhưng nó vẫn là lựa chọn tốt đã cứu hàng triệu trẻ em khỏi ch.ết đói, suy dinh dưỡng và hàng triệu người mẹ khỏi trầm cảm vì không đủ sữa trong suốt nhiều thập kỷ qua.



4. Người ta hay bảo nhau rằng: “Trẻ ngủ riêng thiếu thốn tình yêu của bố mẹ, chẳng khác gì trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Con có bé bỏng bao lâu đâu mà không tranh thủ ôm ấp.” Một số khác lại bảo không phải thế, ôm con thì ôm lúc thức cũng được, ngủ chung có nhiều tác hại như đột t.ử ở trẻ sơ sinh, vân vân và mây mây. Hai bên cãi nhau mãi chẳng có điểm dừng. Ai cũng có luận điểm sắc bén củng cố cho niềm tin của mình.


Nhưng ít ai nói rằng ngủ chung hay ngủ riêng không phải do chúng ta quyết định, người quyết định là trẻ, là nhu cầu và cá tính của trẻ. Không phải do chúng ta đã làm gì hay không làm gì mà dẫn đến “thất bại”. Con nhà này phù hợp và hợp tác với ngủ riêng, không có nghĩa là con ai cũng thế. Chúng ta không có trải nghiệm với con của ai ngoài con của mình, vì vậy mọi đánh giá, so sánh và bài xích đều là phiến diện.


_________


Mọi phương pháp nuôi con, mọi nghiên cứu khoa học đều chỉ mang tính tham khảo. Yếu tố cần đề cao ở đây chính là yếu tố PHÙ HỢP. Sẽ chẳng có phương pháp nào đúng hay sai, chỉ có phương pháp phù hợp và không phù hợp với từng cá thể. Nghiên cứu khoa học đôi khi còn thay đổi kết quả qua thời gian, vì vậy, hãy chắc chắn một điều là trên đời này chẳng có gì chắc chắn cả.


Làm cha mẹ đã đủ vất vả rồi, chúng ta cãi nhau, bài xích lẫn nhau rốt cuộc để làm gì? Chẳng để làm gì ngoài mang về cho bản thân sự bực bội và gieo cho người khác sự tổn thương. Làm cha mẹ mà phải khổ như thế, chẳng trách dân số ngày càng già vì chẳng còn ai dám đẻ.


Làm cha mẹ đúng là vất vả nhưng chẳng khổ thế đâu nếu chúng ta có một hiểu biết vững vàng và một cộng đồng tử tế. Làm cha mẹ là hành trình vất vả nhưng tình yêu chúng ta nhận được luôn lớn hơn nhiều so với những vất vả ấy.


Làm cha mẹ ai cũng có lần đầu, ai cũng có sai sót, một cộng đồng tử tế là cộng đồng luôn ghi nhận nỗ lực của mỗi cá nhân và cùng nhau tiến lên. Cộng đồng đó chẳng ở đâu xa. Những người chồng, người vợ, người ông, người bà, người hàng xóm, người comment dạo trên mạng, những người sống gần nhau hãy cùng tự tạo nên cộng đồng đó. Cách cư xử tử tế này có ích không chỉ trong hành trình làm cha mẹ, mà còn trong cả các mối quan hệ khác như hôn nhân, bạn bè, gia đình.


Nuôi con khoa học là tốt, kinh nghiệm dân gian cũng tốt, dung hoà và chọn lọc là được. Sao phải vứt đứa nào đi?

Phí của giời!


Alicia Vu (Quỳnh)

221 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page