top of page

Xin đừng né tránh tổn thương


“Đứa con trai 22 tuổi của tôi đã loại vợ chồng tôi ra khỏi cuộc sống của nó và từ chối mọi cuộc gọi. Nó nói: ”Đây là cái giá cho sự bao bọc thái quá, sự nghiêm khắc và không bao giờ biết lắng nghe.” Tôi phải làm gì đây?”


Trên đây là một topic trên Quora để lại trong tôi nhiều trăn trở. Câu hỏi của người mẹ chắc sẽ làm dấy lên hai luồng cảm xúc:


Một là bất bình với cậu thanh niên vì đã phụ lại tất cả yêu thương, lo lắng cha mẹ dành cho mình.

Hai là phê phán phụ huynh về việc yêu chưa đúng cách nên vô tình kìm kẹp, tước mất tự do của con.


Với riêng tôi, câu chuyện trên gợi nhiều suy ngẫm hơn là tranh cãi, trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn bàn luận một khía cạnh của vấn đề: sự tổn thương. Có lẽ người mẹ đó từng chịu tổn thương trong quá khứ nên luôn nỗ lực tìm mọi cách để bảo vệ con khỏi những va vấp gây đau đớn. Nhưng tiếc thay, sự cố gắng này rút cuộc lại mang đến một loại tổn thương khác không kém phần nhức nhối cho cả hai bên.


Có rất nhiều bậc cha mẹ yêu con hơn cả bản thân; và vì yêu mà họ có xu hướng bảo vệ, bao bọc con thật nhiều. Khi con đau, con buồn, con suy sụp, họ cảm thấy như chính mình đang chịu đựng đả kích vậy. Mặt khác, họ cũng không có niềm tin rằng con mình đủ khả năng và bản lĩnh để có thể tự đối mặt với khó khăn. Trong mắt họ, con cái mãi mãi bé bỏng. Yêu thương không có lỗi, nhưng cách yêu đôi khi lại sai. Bréne Brown - tác giả cuốn sách “Sự liều lĩnh vĩ đại”, người dành hai thập kỷ để nghiên cứu về lòng dũng cảm, sự tổn thương, nỗi hổ thẹn và sự đồng cảm - đã khẳng định:

”Sự tổn thương giống như cái lõi nhớp nháp của các cảm xúc khó khăn: hổ thẹn, sợ hãi, buồn đau, thiếu hụt… Nhưng tổn thương cũng là nơi sản sinh tình yêu, sự nương tựa và niềm vui.”

Bạn thấy đấy, hành động bao bọc tựa như đặt con trong tủ kính không hề giúp bảo vệ chúng khỏi tổn thương - (thực chất việc này là không thể) - mà còn tước đi cơ hội được cảm nhận sâu sắc những cảm xúc tích cực. Không thất bại làm sao biết vị ngọt của thành công, không buồn sẽ không biết thế nào là vui, không cô đơn sẽ khó mà trân quý giây phút sum vầy.


Bảo vệ con là đặc quyền và trách nhiệm của mọi cha mẹ, nhưng che chở thái quá lại là hành động tựa như bạn đang làm yếu đi hệ miễn dịch của con mình. Miễn dịch càng kém, càng dễ nhiễm bệnh.


Hầu như mọi người đều thừa nhận rằng làm cha mẹ nói chung là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, và đây chính là một trong những khía cạnh khó nhất.


Bảo vệ nhưng phải buông tay.

Tin tưởng nhưng phải đồng hành.

Kỷ luật nhưng phải thấu hiểu.


Ranh giới mơ hồ giữa các vế đôi khi thực sự làm chúng ta bối rối.


Hãy hình dung về việc tập đi của đứa trẻ lúc một tuổi. Nó bắt đầu bằng từng bước chân chập chững, và vấp ngã. Vấp ngã hẳn sẽ đau hoặc lấm bẩn, nhưng từ đó nó học cách đứng lên, tiếp tục bước, và lại vấp, lại đứng lên. Cuối cùng đứa bé biết đi, vui sướng chạy nhảy tự do đến mọi nơi mà nó muốn. Nếu chỉ vì sợ con đau hoặc bẩn mà ta giữ khư khư đứa trẻ trên tay, bắt nó ở trong nhà thì bao giờ nó mới có thể đi? Nhưng nếu người lớn hoàn toàn bỏ mặc đứa trẻ thì nó có thể gặp nguy hiểm trong môi trường không đảm bảo. Vậy thì, bảo vệ con chính là tạo ra một môi trường an toàn cho nó tập đi, chứ không phải ngăn nó khỏi bị ngã. Chúng ta phải chấp nhận để con trải nghiệm tổn thương, nhưng đồng thời cũng cần là chỗ dựa của chúng. Tình yêu và sự bao dung của cha mẹ sẽ là yếu tố đối trọng với những cảm xúc tiêu cực, giúp con lấy lại cân bằng và từng chút tăng cường một “hệ miễn dịch khỏe mạnh” để đương đầu với thử thách trong cuộc sống.


Quay trở lại với câu hỏi đầu bài, thực sự rất khó có thể bóc tách lỗi lầm hay quy trách nhiệm rõ ràng cho bên nào. Đây mãi là câu chuyện “con gà - quả trứng”, không có điểm kết thúc; nếu tranh cãi cũng chỉ đi đến bế tắc mà thôi. Và cũng khó để cung cấp cho người mẹ một giải pháp cụ thể, chắc chắn giúp bà mang cậu con trai trở về. Chìa khóa nằm ở nỗ lực kết nối của mỗi người.


Dưới đây là câu trả lời của Nhà tham vấn Christine Hourd dành cho người mẹ:


“Trước hết, tôi muốn nói với chị rằng chị thật dũng cảm biết bao khi dám thổ lộ câu chuyện trước một diễn đàn công cộng như thế này. Và điều tôi cảm nhận được là chị vô cùng trân trọng mối quan hệ với con trai và muốn cải thiện để tốt hơn. Rõ ràng là chị yêu con rất nhiều.

Cha mẹ dễ dàng bị rơi vào cái bẫy của việc kiểm soát và bao bọc thái quá. Tôi cũng có trải nghiệm tương tự với mẹ mình và bất kỳ thứ gì bà nói, tôi đều muốn làm ngược lại. Bởi vì tôi không muốn “bị kiểm soát”.

Tôi nhận ra chị cũng giống như mẹ tôi, chị đưa ra những quyết định chị cho là tốt nhất trước những thông tin chị có tại thời điểm đó. Lý do các ông bố bà mẹ bao bọc con cái một cách thái quá là để ngăn chúng khỏi việc mắc những sai lầm mà họ từng gặp trong quá khứ. Mặc dù ý định là tốt, nhưng lại không phải điều tốt nhất của bọn trẻ.

Một phần của quá trình trưởng thành là học cách vượt quá những sai lầm, hoặc thất bại. Nếu bị bao bọc thái quá, các con sẽ không rèn luyện được những kỹ năng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của người trưởng thành khi chúng lớn lên.

Con trai chị đang muốn sải đôi cánh và tìm định danh của chính mình. Cậu ấy đã tự tạo ra một hàng rào ngăn cách với bố mẹ để bản thân có thể tự nhận thức mà không có sự can thiệp nào từ vợ chồng chị.

Khi con chị đang tự mình trải nghiệm, hãy cho cậu ấy chút không gian, đồng thời tiếp tục ở bên và cho con biết điều đó. Cậu bé không cần bất kỳ lời khuyên nào, cậu ấy chỉ cần sự đồng cảm. Hãy tin rằng con chị đủ khả năng để nhận thức mọi chuyện. Và chị hãy lấy làm mừng vì con chị đang bắt đầu trải nghiệm ở tuổi 22 - ngưỡng cửa xây dựng cuộc đời riêng của cậu bé. Nếu đến năm 44 tuổi cậu ấy mới được làm điều này, thì hẳn là phần lớn cuộc đời cậu phải phụ thuộc vào điều người khác muốn hơn là điều cậu muốn.

Năm tôi 26 tuổi, tôi nhận ra rằng mẹ tôi quan tâm tôi quá nhiều và những hành động kiếm soát của bà là do nỗi sợ điều gì đó kinh khủng sẽ xảy ra với tôi nếu bà không làm mọi thứ có thể để bảo vệ tôi. Hiện tại tôi có ba cậu con trai tuổi teen và vẫn có chút lo lắng, mặc dù tôi cũng tự tin rằng tôi đã nuôi dạy chúng tốt và chúng cũng sẽ có những quyết định phù hợp trong cuộc đời khi chúng trưởng thành.

Chúc chị sẽ sớm kết nối lại với con trai.”



1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page